Cách đây hơn 20 năm, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng có nguồn gốc từ nhựa, ni-lông phát triển phổ biến ở nước ta đánh dấu như một tiến bộ và tiện dụng của đời sống xã hội. Sản phẩm nhựa, ni-lông với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp nên gắn liền với đời sống tiêu dùng của mỗi người dân, mỗi gia đình nước ta.
Tuy nhiên, gánh nặng cho môi trường trước mắt và lâu dài do rác thải nhựa, ni-lông. Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 01 kg túi nilon/hộ/tháng. Như vậy, sẽ có hàng triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày.
Túi ni-lông xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ cho đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, từ cửa hàng bán lẻ cho đến khu trung tâm thương mại, mua sắm lớn và hiện hữu hằng ngày trong từng gia đình.
Các gia đình Việt Nam đang là đối tượng chính tiêu dùng, sử dụng và phát thải các sản phẩm nhựa, túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Do vậy, Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Để hạn chế rác thải nhựa, ni-lông cần có nhiều biện pháp. Trước hết, tăng cường hoạt động vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong từng gia đình; cần có sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị tại cấp cơ sở. Thứ hai, phát động phong trào, chiến dịch giảm thiểu sử dụng và phát sinh rác thải nhựa, ni-lông bằng các loại khác như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni-lông tự phân hủy, túi dệt từ sợi ni-lông sử dụng nhiều lần… để hướng đến đối tượng chính sử dụng là các gia đình.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần đẩy nhanh mạnh và quyết liệt hơn văn hóa tiêu dùng hiện đại thông qua các sản phẩm sản phẩm thân thiện môi trường và có nguồn gốc tự nhiên.
Tại Chương trình phát động phong trào chống rác thải nhựa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các sản phẩm từ nhựa, ni lông “ra đời” mang lại tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình. Tuy nhiên, với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản này đã và đang gây ra những hệ lụy cho môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động, thực vật. Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Vì vậy, giảm thiểu chất thải từ nhựa, ni lông đã trở thành yêu cầu cấp bách, cần bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và ni lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Phong trào đã và đang lan tỏa và rộng khắp với sự tham gia của cộng đồng trong hạn chế tối đa sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tại Việt Nam, ngày 9/9 hàng năm được gọi là “Ngày không túi ni-lông - The Nature Day". Hoạt động này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9/9/2009 tại Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam với mục đích giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch cho thế hệ sau.