Cận thị là loại tật khúc xạ thường gặp nhất, chiếm khoảng 25% tổng dân số trên thế giới. Việc gia tăng cận thị không những là gánh nặng cho xã hội mà việc điều trị cho những người bị cận thị nặng còn có thể gặp nhiều nguy cơ rủi ro.
Nhìn gần - Yếu tố hàng đầu gây cận thị
Nguyên nhân gây cận thị ở trẻ em có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Một yếu tố quan trọng được cho là nguyên nhân gây cận thị mắc phải đó là “nhìn gần”. Việc nhìn ở khoảng cách gần kéo dài và thường xuyên làm cho mắt liên tục phải điều tiết dẫn đến khởi phát cận thị hoặc độ cận thị tăng nhanh. Trong thời đại bùng nổ thông tin mà đến 80% lượng thông tin được con người tiếp nhận thông qua thị giác thì việc gia tăng tỷ lệ cận thị là điều khó tránh. Trẻ ít tham gia các hoạt động ngoài trời cũng là yếu tố gây nguy cơ khởi phát cận thị.
Mắt bình thường và mắt cận thị
Kiểm soát tiến triển cận thị, cách gì?
Để kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ em bao gồm: ngăn ngừa khởi phát cận thị và hạn chế tăng số cận ở trẻ em, trên thế giới người ta đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương pháp như sau:
Dùng thuốc: Atropin nồng độ thấp: Atropin là nhóm thuốc đối kháng Muscarin không chọn lọc, tại mắt nó có tác dụng: giãn đồng tử và liệt điều tiết. Với nồng độ thấp 0,01% nó có tác dụng làm hạn chế tăng số cận tới 50% trường hợp mà không gây những tác dụng phụ như: lóa mắt, chói mắt, khó nhìn gần… Ngoài tác dụng kiểm soát tăng số cận, Atropin nồng độ thấp còn được sử dụng để kiểm soát khởi phát cận thị trên trẻ em.
Dùng kính tiếp xúc: Kính tiếp xúc (kính áp tròng) là 1 loại thiết bị y tế tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu, kính tiếp xúc gồm 2 loại: kính mềm và kính cứng. Nhờ tác dụng làm giảm ảnh mờ ở vùng võng mạc chu biên khi sử dụng một số loại kính đặc biệt sau giúp hạn chế tăng số cận.
+ Kính tiếp xúc mềm 2 tròng (bifocal soft contact lenses): với thiết kế có 2 tiêu cự nên người sử dụng có thể nhìn rõ cả khi nhìn xa và nhìn gần.
+ Kính tiếp xúc mềm đa tròng (multifocal soft contact lenses): với thiết kế đa tiêu cự nên người sử dụng có thể nhìn rõ cả khi nhìn xa, nhìn gần và nhìn trung gian.
+ Kính OrthoK: là loại kính tiếp xúc cứng thấm khí được đeo vào ban đêm nhằm tác dụng làm mỏng biểu mô giác mạc trung tâm, làm dày biểu mô vùng cạnh ngoại vi (midperipheral epithelial) giúp làm chậm phát triển trục nhãn cầu so với kính thấm khí đơn tiêu. Nhờ tác dụng tạm thời làm phẳng giác mạc trung tâm giúp cho người sử dụng có thể nhìn rõ ban ngày mà không cần đeo kính.
Dùng kính gọng: Với kính gọng đơn tròng khi đeo sẽ cho hình ảnh mờ ở vùng chu biên của võng mạc, cũng tác dụng giống như kính tiếp xúc 2 tròng và đa tròng, những thiết kế kính gọng đặc biệt sau cũng giúp hạn chế tăng số cận:
- Kính hai tròng (executive bifocals).
- Kính đa tròng: Progressive additional lenses (PALs).
Tăng cường hoạt động ngoài trời và giảm thời gian nhìn gần: Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, nhóm trẻ tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn thì tỷ lệ gia tăng cận thị thấp hơn nhiều so với nhóm trẻ ít tham gia. Ngoài ra, việc giảm thời gian cho các công việc nhìn gần cũng góp phần kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ.
Lời khuyên thầy thuốc
Một trong những điều cốt yếu nhất là cha mẹ nên có các biện pháp phòng ngừa tránh để tình trạng cận thị của con mình tiến triển nặng thêm. Khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời. Luôn đảm bảo cho con bạn có ánh sáng tốt khi đọc sách hoặc học tập. Cả ánh sáng quá mạnh lẫn ánh sáng quá mờ đều làm cho mắt trẻ mệt mỏi, cần phải tránh. Kiểm soát khoảng cách đọc sách và viết chữ của trẻ. Khoảng cách từ mắt đến mặt trang sách, trang giấy cần khoảng 30 - 50cm.
Không để trẻ đọc sách, viết chữ, dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh liên tục trong thời gian dài. Chỉ 45 phút là phải nghỉ đọc, viết 5 phút, nhìn ra xa để cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn. Cũng không nên xem tivi liên tục hàng giờ.
Tư thế ngồi học của trẻ phải ngay ngắn. Khi đọc, viết trẻ cần ngồi thẳng lưng, không nên nằm đọc sách, không nên vừa ăn vừa xem sách báo, xem tivi.
Nghỉ ngơi thị giác từng lúc: Cần chủ động kiểm soát việc chớp mắt, chớp mắt là một động tác sinh lý, giúp lớp nước mắt được trải đều trên bề mặt mắt, giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt.
Trẻ em nên được kiểm tra thị lực ít nhất mỗi năm 1 lần để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thị giác.