Giáo dục giới tính cho trẻ: 10 nguyên tắc bố mẹ cần thuộc nằm lòng!
Cảm xúc & Kết nối xã hội - 26/05/2020
Giáo dục giới tính cho trẻ là việc nên làm càng sớm càng tốt để dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, tâm lý của mình và tôn trọng cơ thể của người khác.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn khá bảo thủ và thờ ơ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em, chính vì vậy nên họ thường né tránh việc giáo dục giới tính cho trẻ cũng như chia sẻ cho con cách phòng tránh kẻ xấu. Vì thiếu hiểu biết về những dấu hiệu nguy hiểm nên có rất nhiều trẻ từng bị lạm dụng, quấy rối mà không dám lên tiếng tố cáo, không chỉ vì sợ lời đe dọa của thủ phạm, mà còn vì sợ những phản ứng tiêu cực từ chính bố mẹ, người thân của mình.
Vậy làm thế nào để giúp con nâng cao cảnh giác về vấn đề này và có thể cởi mở chia sẻ hơn? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Giáo dục giới tính cho trẻ | VTV7
Tại sao cần đề cao việc giáo dục giới tính cho trẻ?
Bố mẹ luôn cố gắng dạy cho con cách kỹ năng phòng tránh những tình huống nguy hiểm, gây tổn thương trên thân thể vì kỹ năng này đóng vai trò rất trọng đối với tính mạng của trẻ. Thế nhưng tổn thương tâm lý cũng nguy hiểm chẳng kém gì tổn thương trên thân thể cả, vậy mà chưa có nhiều bố mẹ để tâm tới nó.
Sự thờ ơ của bố mẹ trước nạn tấn công tình dục trẻ em có lẽ cũng bởi vết thương để lại lòng trẻ là một hình thái mơ hồ, không thể nhìn thấy bằng mắt như những vết thương hiển hiện trên cơ thể. Nhưng tổn thương tâm lý vì bị xâm hại, lạm dụng, quấy rối tình dục là vết thương lớn sẽ đeo theo trẻ cả đời và rất khó để rửa trôi những ký ức kinh khủng ấy.
Có lẽ bố mẹ cũng đều biết rằng, càng cấm đoán trẻ làm điều gì thì trong đầu trẻ luôn thôi thúc ý muốn làm việc đó. Chuyện giới tính cũng vậy. Khi con tò mò mà không được bố mẹ giải đáp thỏa đáng, thậm chí cấm tìm hiểu, thì con lại càng tò mò hơn. Trong khi đó, nếu trẻ không được hướng dẫn kỹ về vấn đề giới tính thì giống như bịt mắt trẻ lại và để trẻ tự dò dẫm trên con đường nguy hiểm mà có thể gặp “tai nạn” bất cứ lúc nào. Điều tệ hơn đó là, khi bị tổn thương về tâm lý, trẻ sẽ càng khép mình, đóng cửa trái tim mình và không chia sẻ, bố mẹ sẽ chẳng thể biết được con đã trải qua những gì để bảo vệ cho con khi sự đã rồi.
Thế nên, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hãy định hướng cho con thái độ sống đúng đắn, biết yêu thương và tôn trọng bản thân cũng như người khác. Hãy dạy cho con không chỉ những kỹ năng phòng tránh những tai nạn nguy hiểm, mà cả những tổn thương tâm lý nữa nhé!
Giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm là cách tốt nhất để cung cấp đủ kiến thức và dạy cho con cách bảo vệ bản thân.
Bí quyết giáo dục giới tính cho trẻ mầm non
1.Tạo không gian thoải mái dễ chịu và yêu thương
Bố mẹ hãy trò chuyện với trẻ ở một địa điểm khiến tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái - một nơi vui vẻ và giàu tình cảm. Không gian này sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn và sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe.
Môi trường là yếu tố rất quan trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như cảm xúc của bố mẹ và trẻ. Vì thế hãy tránh không gian tù túng, khó chịu, gây áp lực khiến tâm lý căng thẳng. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm và hoàn toàn có thể nhận ra được cảm xúc thực sự của bố mẹ ngay cả khi bố mẹ cố gắng che giấu điều đó. Thế nên nếu bản thân bố mẹ lộ ra sự lo lắng hoặc căng thẳng thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này, dẫn đến thái độ thiếu hợp tác và lo lắng.
2.Hãy giáo dục giới tính cho trẻ khi trẻ lên 4 tuổi
Nhiều bố mẹ cho rằng giáo dục giới tính cho trẻ tiểu học thì sẽ phù hợp hơn, nhưng thực tế, bố mẹ nên dạy cho trẻ về giới tính khi trẻ lên 4 tuổi.
Nếu bố mẹ nghĩ rằng 4 tuổi học về giới tính là quá sớm, thì bố mẹ cần phải biết một sự thật đáng sợ, đó là đã có số liệu thống kê cho thấy trong nhóm trẻ dưới 12 tuổi thì đối tượng bị quấy rối tình dục nhiều nhất chính là trẻ 4 tuổi!
Dù ở độ tuổi này trẻ chưa thể diễn đạt được đầy đủ suy nghĩ của mình bằng lời nói, thế nhưng lúc này con đã biết cảm nhận về thế giới xung quanh và hiểu chuyện hơn người lớn nghĩ rất nhiều.
4 tuổi là độ tuổi lý tưởng để bố mẹ giáo dục giới tính cho trẻ, để trẻ có phản xạ tự vệ trong những tình huống nguy hiểm.
Bố mẹ có thể chủ động dặn dò con về việc bảo vệ vùng kín của mình. Khi đi tắm, hãy kiên trì nhắc nhở con rằng đó là vùng cơ thể mà chỉ có bố mẹ mới được nhìn thấy và chạm vào để giúp con tắm rửa, hoặc bác sĩ khám bệnh cho con với sự có mặt của bố mẹ, ngoài ra thì không ai được phép chạm vào vùng kín của con ở bất cứ hoàn cảnh nào khác.
>>>Tham khảo thêm: 10 cách dạy trẻ kỹ năng phòng tránh lạm dụng tình dục
3.Dạy cho trẻ về bộ phận sinh dục
Hãy dạy cho con biết về bộ phận sinh dục của mình như cách bố mẹ dạy cho con nhận biết các bộ phận khác trên cơ thể như mắt, mũi, tai, chân, tay. Bố mẹ không nên lảng tránh khi con đặt câu hỏi, và hãy gọi tên chính xác những bộ phận này chứ không phải các loại tên thay thế nào khác, để con có thể ý thức được nếu như có ai đó có ý định xâm phạm những khu vực này.
Một ví dụ buồn cho vấn đề này đó là, từng có một bé gái cố gắng báo cho bố mẹ biết rằng mình bị đau ở bụng. Nhưng khi đến bác sĩ thì mới phát hiện ra dấu hiệu bé đã bị hãm hiếp, nhưng chỉ vì bố mẹ dạy cho bé rằng bộ phận sinh dục của mình là “bụng”, khiến cho việc phát hiện tình hình bị chậm trễ. Đó là lý do vì sao bố mẹ cần dạy cho trẻ biết chính xác tên bộ phận sinh dục của mình, công bằng như các bộ phận khác trên cơ thể.
Và đừng quên rằng, bé trai hay bé gái đều cần được giáo dục giới tính đầy đủ để có thể phòng tránh được kẻ quấy rối và bảo vệ bản thân tốt hơn.
4.Dạy cho con nguyên tắc đụng chạm
Hãy dạy cho trẻ về cơ thể của mình và nguyên tắc đụng chạm càng sớm càng tốt.
Con phải biết được những điều sau:
- Phải luôn che chắn vùng kín của mình khi ra khỏi nhà, đặc biệt là ở nơi công cộng.
- Biết giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khỏe mạnh.
- Dạy cho con các tình huống cần tránh và biết hô hoán khi nhận ra người có ý định xấu.
- Không một ai được phép đụng chạm vào các vùng riêng tư của con dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Người duy nhất được chạm vào con đó là bố mẹ khi tắm rửa cho con và bác sĩ khi khám bệnh cho con với sự có mặt của bố mẹ.
Hãy dạy trẻ về nguyên tắc đụng chạm để con bảo vệ được bản thân mình.
5.Dạy cho trẻ biết rằng bộ phận riêng tư là nơi rất đặc biệt
Khi giáo dục giới tính cho trẻ, bố mẹ cần có thái độ cởi mở, thoải mái, không nên né tránh và tạo ra cảm xúc kỳ thị, xấu hổ khi nói về bộ phận sinh dục. Đồng thời hãy nhấn mạnh rằng vùng riêng tư của trẻ là vùng đặc biệt và của riêng trẻ, do đó không ai có quyền được đụng chạm vào khi không được trẻ hay bố mẹ cho phép.
6.Dạy trẻ trân trọng và làm chủ cơ thể của mình
Hãy cho con quyền được làm chủ bản thân bằng cách dạy cho con hiểu về cơ thể của chính mình, về lòng tự trọng cũng như trách nhiệm bảo vệ thân thể ấy. Quan trọng nhất chính là dạy cho con cách nói “Không” khi cảm thấy không thoải mái trước bất kỳ hành vi quấy rối, xâm hại, cưỡng bức nào của người lớn. Con sẽ biết tôn trọng bản thân mình khi chính bố mẹ tôn trọng con trước.
Ví dụ: Bố mẹ không nên bắt ép trẻ phải ôm hôn một người lạ mặt vì tính xã giao của người lớn. Hãy để trẻ bắt tay, ôm và hôn người khiến cho trẻ cảm thấy thoải mái để thể hiện tình cảm và lòng kính trọng, chứ không phải vì những mối quan hệ mà trẻ không phải là người trong cuộc. Nếu một người lạ cố gắng ôm hôn hay có những cử chỉ đụng chạm khiến cho trẻ khó chịu, bố mẹ hãy để trẻ được từ chối, và hỗ trợ diễn đạt rõ ý của trẻ với người lạ kia.
7.Giải thích và nhấn mạnh với trẻ rằng không một ai có quyền đụng chạm, cưỡng ép và xâm hại người khác
Một con số đáng buồn là 85% trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục có thủ phạm là những người quen biết với trẻ. Đó có thể là họ hàng, bạn thân của gia đình, hàng xóm, giáo viên,… Đó có thể là đàn ông, phụ nữ hay thậm chí là một đứa trẻ hư học và chơi cùng với trẻ. Kẻ lạm dụng tình dục có thể là bất cứ ai xung quanh trẻ.
Vì thế, bố mẹ hãy dạy cho trẻ hiểu rằng không một ai được phép chạm vào cơ thể của trẻ, và cũng không ai được phép yêu cầu trẻ đụng chạm vào cơ thể của người khác. Thường bố mẹ không để ý tới vế thứ 2, nhưng cả 2 quy tắc này đều quan trọng như nhau.
Trong giáo dục giới tính cho trẻ, 2 điều quan trọng nhất chính là dạy trẻ tôn trọng cơ thể của người khác, và không cho phép người khác đụng chạm vào cơ thể cũng như vùng kín của mình.
8.Dạy trẻ tin vào trực giác và cảm nhận của bản thân
Bố mẹ nên dạy trẻ tin vào cảm nhận, trực giác của chính mình để trẻ tự tin, mạnh mẽ và chủ động phòng tránh hơn, thay vì cứ dựa dẫm vào sự chỉ dẫn và đồng ý của bố mẹ. Điều này giúp trẻ đề cao cảnh giác hơn, đặc biệt là khi không có bố mẹ ở bên cạnh.
Bên cạnh đó, hãy tôn trọng ý muốn và cảm giác của con. Nếu con không thoải mái với người lạ, đừng bắt ép con phải làm quen. Nếu con cảm thấy sợ ai đó, hãy để cho con được rời khỏi không gian chung. Hãy tôn trọng sự an toàn của con, thay vì ép con phải ngoan ngoãn và làm hỏng cơ chế phản ứng tự vệ của con trước nguy hiểm.
9.Giải thích với trẻ rằng bí mật nếu được chia sẻ cho người đáng tin cậy thì vẫn là bí mật
Giáo dục giới tính cho trẻ bao gồm cả việc bố mẹ thiết lập nên những quy tắc riêng, đặc biệt là về việc giữ bí mật về cơ thể. Hãy giải thích cho con rằng không ai được phép đụng chạm vào cơ thể con và bắt con phải giữ bí mật với bố mẹ về điều này, đó là hành vi sai trái. Bất kỳ ai muốn con giữ bí mật với bố mẹ thì đó là người không đáng tin và con cần phải đề phòng, tránh xa người đó.
Bố mẹ nên dạy trẻ rằng không nên nghe lời kẻ xấu và giữ bí mật về những việc có liên quan tới cơ thể của trẻ.
10.Bố mẹ sẽ đứng về phía con nếu có ai đó làm tổn thương con
Những kẻ lạm dụng, quấy rối tình dục thường đe dọa rằng sẽ chẳng ai tin lời trẻ con nói và nếu nói ra thì người lớn sẽ ghét bỏ con. Điều này khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, có xu hướng giữ im lặng, không dám chia sẻ với bố mẹ vì sợ bố mẹ la mắng thay vì thấu hiểu và bảo vệ mình.
Để tránh được điều này, bố mẹ hãy khẳng định rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra, bố mẹ sẽ luôn là người bảo vệ trẻ và khuyến khích trẻ chia sẻ bất cứ khi nào có chuyện xấu xảy ra.
Giáo dục giới tính cho trẻ là việc bố mẹ cần thực hiện thường xuyên và liên tục để con ghi nhớ và nâng cao ý thức cảnh giác. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chú ý và quan tâm đến dấu hiệu cho thấy trẻ bị xâm phạm để có thể kịp thời hành động đúng đắn.