Bỏng là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất. Tỷ lệ trẻ em bị bỏng chiếm từ 40-60% số người bị bỏng. Độ tuổi hay bị từ 1 – 6.
Để phòng ngừa tai nạn do bỏng, người lớn đừng quên các biện pháp đơn giản sau đây:
- Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, để bếp lò nơi bằng phẳng, cao ngoài tầm tay với của trẻ hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn, luôn luôn xoay cán xoong, chảo... vào phía trong.
- Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện...
- Không để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy...
- Khi bưng bê nước nóng, thức ăn mới nấu... cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.
- Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Nhiệt độ nước dùng để tắm rửa cũng phải cần kiểm tra cẩn thận.
- Luôn luôn cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em.
- Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất...
- Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa. Nếu có điều kiện, nên lắp vòi nước nóng lạnh có chế độ điều chỉnh.
- Trong việc chăm sóc, phải luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý, để mắt đến trẻ; đặc biệt là đối với trẻ trẻ nhỏ.
- Khi chăm sóc trẻ nhỏ, không được vừa bồng bế trẻ, vừa ăn các thức ăn, đồ uống nóng hoặc bưng bê các loại thức ăn, đồ uống nóng.
Các công việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu những bậc phụ huynh, người lớn, người chăm sóc trẻ không thực hiện với trách nhiệm đầy đủ thì có thể mang lại những hậu quả khó lường vì sự “bất cẩn” của chính mình.