Thiếu máu thiếu sắt vẫn đang là một vấn đề đối với một số trẻ em, đặc biệt là trẻ kén ăn và ăn không đủ thực phẩm giàu chất sắt. Để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt, cha mẹ nên tham khảo một số loại thực phẩm giàu sắt dưới đây.
1. Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong năm 2019 - 2020, ở Việt Nam có tới 60% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Thiếu sắt sẽ dẫn tới thiếu máu. Hiện nay tình trạng trẻ em thiếu máu dinh dưỡng tuy đã được cải thiện nhưng tỷ lệ vẫn còn cao. Năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6%, phụ nữ là có thai là 25,6% và ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2% (so với năm 2010 thì tỷ lệ thiếu máu của các đối tượng trên là 29,2%, 36,5% và 28,8%).
Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng khả năng lao động và học tập. Khi cơ thể bị thiếu máu, người bệnh thường có dấu hiệu xanh xao, mệt mỏi, da niêm nhợt, tim đập nhanh, khó thở, hoạt động chậm chạp, trẻ nhỏ có biểu hiện quấy khóc, biếng ăn, chậm lớn...
Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể.
Theo TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Bình thường, cơ thể hấp thụ sắt từ thức ăn qua đường tiêu hóa. Nếu đường tiêu hóa không hoạt động bình thường, như ở những người mắc một số bệnh như bệnh celiac, viêm dạ dày tự miễn, các dạng viêm dạ dày khác, phẫu thuật cắt bỏ dạ dày... dẫn tới hấp thu sắt không đầy đủ và gây thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt để tạo ra hemoglobin trong hồng cầu hoặc số lượng hồng cầu thấp hơn bình thường. Thiếu máu ảnh hưởng tới các hoạt động cần tiêu hao năng lượng, do đó trẻ em bị thiếu máu thường có kết quả học tập thấp hơn so với những trẻ bình thường khác.
2. Các thực phẩm giàu sắt mẹ nên cho bé ăn hàng ngày
Hiện nay, thiếu máu do thiếu sắt không còn là vấn đề lớn như trước đây. Việc sử dụng các thực phẩm giàu chất sắt và/hoặc một số loại thức ăn dành cho trẻ em tăng cường chất sắt sẽ giúp giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Điều quan trọng là cha mẹ cần biết các loại thực phẩm giàu chất sắt nhất và đưa chúng vào thực đơn của con em mình hàng ngày.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia gợi ý: Khi trẻ bị thiếu sắt, mẹ nên chọn thực phẩm giàu sắt như thịt bò, 1 tuần ăn 4 bữa (50-70g thịt bò/bữa); cho trẻ ăn gan gà, ngan, vịt... Sau 1-2 tháng không cải thiện thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung sản phẩm đa vi chất trong đó có sắt, hoặc sắt riêng kèm vitamin C thì sẽ cải thiện tình trạng thiếu sắt.
Trừ khi trẻ sinh non hoặc đã bị bệnh thiếu máu, thường trẻ sẽ nhận được đủ lượng sắt cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức có tăng cường chất sắt cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi trẻ được 4-6 tháng tuổi, trẻ có thể sẽ bắt đầu cần thêm chất sắt, thường có ở dạng bột dành cho trẻ em được tăng cường chất sắt.
Trong thời gian bé ăn dặm và sau đó, cha mẹ hãy nhớ chọn nhiều loại thực phẩm có hàm lượng sắt cao trong thực đơn hàng ngày cho trẻ để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất sắt. Nói chung, con bạn nên ăn ít nhất 2 loại thực phẩm giàu chất sắt trở lên mỗi ngày. Những thực phẩm là nguồn cung cấp sắt tốt bao gồm:
· Tất cả các loại đậu là nguồn cung cấp sắt tuyệt vời, bao gồm đậu ván trắng, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu lăng...
· Mật mía đen là một nguồn sắt tốt. Khoảng 1 muỗng canh mật mía chứa 20% giá trị hàng ngày đối với sắt.
· Thịt nạc đỏ, bao gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu.
· Thịt gà.
· Trái cây sấy khô, chẳng hạn như nho khô, mận khô, chà là và quả mơ sấy.
· Lòng đỏ trứng.
· Rau lá xanh, bao gồm các loại cải như cải xoăn, cải xanh, rau bina và rau củ cải, bông cải xanh, măng tây, rau mùi tây, cải xoong.
· Gan động vật.
· Đậu hũ.
· Hải sản, chẳng hạn như hàu, nghêu, cá ngừ, cá hồi và tôm,…
Ngoài các loại thực phẩm tự nhiên giàu sắt kể trên, hiện nay có nhiều loại thực phẩm dành cho trẻ em được tăng cường chất sắt. Ví dụ như bột ăn liền bổ sung các vi chất, ngũ cốc ăn sáng tăng cường sắt, ... Cha mẹ nên kiểm tra kỹ nhãn thực phẩm để tìm thực phẩm tăng cường chất sắt thêm vào các bữa ăn của trẻ.
3. Một số lưu ý cần thiết để phòng ngừa thiếu sắt
- Để phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt cho trẻ, bà mẹ mang thai cần uống thuốc sắt theo chỉ định của bác sĩ, tăng cường ăn các thực phẩm giàu sắt. Cần ăn đúng và đủ thức ăn động vật, thực vật giàu chất sắt.
- Cơ thể khó hấp thụ sắt nonheme (có trong trái cây, rau và ngũ cốc) hơn so với sắt heme (có trong thực phẩm động vật, bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm và cá). Do đó, nên kết hợp thức ăn động vật với thức ăn thực vật làm tăng khả năng hấp thụ sắt từ thực vật.
- Khi trẻ bị thiếu máu thiếu sắt thì không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, như sữa và các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua, các loại hạt và chuối. Vì canxi sẽ cản trở sự hấp thụ sắt trong cơ thể, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây có múi để tăng hấp thụ sắt.
- Cùng với chế độ ăn cân đối các thực phẩm giàu sắt, cũng nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây và nước ép cam quýt, ớt, bông cải xanh, cà chua, dưa và dâu tây giúp tăng hấp thu sắt.
- Cần lưu ý rằng các loại hạt có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho trẻ nhỏ và ăn quá nhiều hải sản khiến trẻ nhỏ có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân. Vì vậy nên chế biến các loại hạt thành dạng sữa cho bé ăn và thật thận trọng khi cho trẻ ăn hải sản, nhất là các loại cá xa bờ như cá ngừ, cá kiếm, cá thu vua...