1. Dị ứng thời tiết
Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi, trăm hoa đua nở nên dễ mắc các bệnh dị ứng như nổi mề đay, mụn ngoài da, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt.
Nổi mề đay: Xuất hiện các vùng đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, nóng tại các vị trí da khô trên tứ chi. Nguyên nhân của bệnh là do cơ thể tiếp xúc với loại vật chất gây dị ứng nào đó cộng thêm thời tiết nóng lạnh thất thường.
Mẩn, mụn ngoài da: Vào mùa xuân, cơ thể dễ dị ứng với các tia tử ngoại hơn nên khiến các tế bào da dễ bị tổn thương, làm xuất hiện các nốt mẩn, mụn.
Viêm mũi dị ứng: Bệnh có thể gặp quanh năm nhưng cao nhất là vào mùa xuân ở những người có cơ địa dị ứng. Nguyên nhân là vì mùa xuân, phấn hoa phát tán khá nhiều trong không khí gây ngứa mũi, hắt xì hơi, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi rất khó chịu.
Để phòng bệnh, cần cố gắng tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi làm việc trong môi trường ô nhiễm và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mặt, cổ; vệ sinh mũi thường xuyên; hạn chế đến các vườn hoa và nên tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc đã từng gây dị ứng.
2. Bệnh đường hô hấp
Do thời tiết lạnh, ẩm nên mùa xuân cũng là mùa bùng phát mạnh các bệnh hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Bệnh hen phế quản: Sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến chức năng miễn dịch của cơ thể thấp, sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cũng giảm sút.
Đối với những người có cơ địa dị ứng, sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng... sẽ bị co rút khí quản, tạo ra các cơn hen gây khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể gây suy hô hấp.
Bệnh viêm phổi: Bệnh thường gặp trong mùa xuân do vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp. Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh... Nếu có các triệu chứng trên, cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế khám và chữa trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh.
Bệnh viêm khí - phế quản cấp cũng là một bệnh phổ biến vào mùa xuân. Bệnh thường do các loại virus cúm gây ra. Triệu chứng của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực khó thở. Để phòng tránh, cần phải giữ ấm cơ thể, ăn nhiều các loại hoa quả để nâng cao thể trạng, uống nhiều nước.
Tiêm phòng là biện pháp nhằm phòng ngừa nhiều loại bệnh nguy hiểm.
3. Bệnh viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ là chứng viêm sưng mủ do là một vi khuẩn gram âm (Neisseria meningitidis) gây ra, có tính truyền nhiễm cao. Vào mùa đông xuân hàng năm, viêm màng não có thể coi là loại bệnh nhiễm trùng cấp tính có xác suất phát sinh cao nhất. Trẻ em, người già và dân công là những người dễ bị mắc bệnh này nhất.
Vi khuẩn gram âm trước tiên xâm nhập vào đường hô hấp. Người bị bệnh này trong ngày đầu tiên có những triệu chứng giống như bệnh cúm như phát sốt, ho nhẹ và nghẹt mũi. Đến ngày thứ 2, thứ 3, các vi khuẩn rất nhanh chóng tiến vào hệ thống máu, phá hoại các tế bào máu của cơ thể gây ra bệnh nhiễm trùng máu. Người bị bệnh này thường có các biểu hiện: sốt cao, lạnh rùng mình, sắc mặt trắng xanh, tinh thần không phấn chấn, trên người có các nốt ban.
Viêm màng não đặc biệt có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung khu. Nếu như không kịp thời chữa trị có thể dẫn tới suy kiệt hệ tuần hoàn và hệ hô hấp mà tử vong. Xác suất tử vong của căn bệnh này đạt tới khoảng 10%. Nếu người bị bệnh đột nhiên phát sốt kèm theo đau đầu dữ dội và nôn mửa nhất thiết không được sử dụng các loại thuốc đau đầu để giảm đau mà phải lập tức đến bệnh viện để các bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh.
4. Viêm kết mạc mùa xuân
Đây là một bệnh dị ứng ở mắt, thường gặp ở tuổi thành niên. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân. Các triệu chứng thường gặp đỏ cả hai mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng, đặc biệt bệnh thường xuyên tái phát vào mùa xuân. Thời tiết càng ẩm, hoặc không khí càng ô nhiễm thì bệnh càng nặng. Nguyên nhân, do mùa xuân hoa nở nhiều, phấn hoa phát tán, phấn hoa hoặc bui rơi vào mắt người có thể trạng dị ứng thì sẽ gây bệnh.
5. Bệnh thủy đậu
Đây là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Teen mắc bệnh do lây lan qua đường hô hấp khi hít phải những giọt nước từ dịch ho hay nước mũi của người bệnh. Hoặc lây do tiếp xúc với mụn nước, sự tiếp xúc quần áo, vải trải giường của người bệnh.
Triệu chứng nổi lên các nốt tròn nhỏ, ngứa, tiến triển trong vòng 12-24h thành mụn nước, bọng nước. Các nốt này sẽ mọc rải rác toàn thân. Sau đó, các nốt này khô đi trở thành vảy và khỏi sau 5 đến 7 ngày. Thường thủy đậu lành tính, nhưng nếu không cẩn thận có thể gây nhiễm trùng để lại sẹo và các biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm phổi...
Khoảng 90% những người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Cách phòng tránh tốt nhất là tiêm phòng thủy đậu và tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
Nguồn: ST