Bố mẹ có con nhỏ thường tự mua siro ho hoặc áp dụng các bài thuốc chữa ho dân gian ngay khi nghe thấy con húng hắng ho, vì nghĩ rằng uống sớm trẻ sẽ hết ho, không bị chạy xuống phế quản hay phổi.
Mỗi khi con bị ho là nhiều phụ huynh lại lo quýnh lên và tìm mọi cách để làm những tiếng ho đó hết càng nhanh càng tốt. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng nếu để con ho lâu sẽ xuống phổi và bị viêm phế quản hay viêm phổi nên con mới ho chút mà tìm cách làm tịt cái ho đó luôn. Theo bác sĩ nhi khoa Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc), việc làm này không đúng vì thực ra ho không phải là bệnh: "Ho là biểu hiện của 1 bệnh nào đó của đường hô hấp. Nhìn chung ho cũng giống sốt, là phản ứng tự vệ của cơ thể để loại bỏ những đờm rãi hay dị vật khỏi đường hô hấp. 60% nguyên nhân ho có nguồn gốc từ phế quản - phổi".
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo phân tích thêm rằng: "Bạn hình dung đơn giản thế này. Ví dụ khi con bạn bị viêm mũi họng hay viêm phế quản phổi, đường hô hấp bé sẽ tiết rất nhiều đờm rãi. Biện pháp duy nhất để cơ thể tống món đờm rãi đó ra chính là phản xạ ho, vì thế ho là tốt để bảo vệ cơ thể. Nếu bạn luôn muốn con thật nhanh giảm ho bằng mọi cách thì bác sĩ sẽ chiều lòng bạn bằng rất nhiều thuốc ức chế ho. Ho có thể giảm về tần suất nhưng bản chất bệnh không khỏi nhanh hơn mà chỉ là đang đánh lừa phụ huynh thôi. Một đợt ho cảm thông thường có thể ho kéo dài 10-14 ngày".
Vậy khi nào trẻ ho thì bố mẹ cần lo lắng?
"Cái ho chỉ thực sự cần thiết phải giảm ngay nếu ho nhiều đến mức ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của em bé như: ho liên tục, mệt mỏi vì ho, phải thức dậy vì ho, nôn trớ vì ho... Khi đó hãy thảo luận với bác sĩ của con bạn để xử lý cái ho đó", bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo chỉ rõ.
Muốn trẻ hết ho, cần phải chữa nguyên nhân gây nên ho. Nhưng để biết nguyên nhân gây ho, bố mẹ không tự phán đoán hay mua thuốc cho con uống mà hãy đưa con đi thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ Thảo khuyên trong trường hợp trẻ ho ít, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sức khỏe của bé thì để "kệ nó đi. Đừng sốt ruột muốn cắt cái ho thật nhanh làm gì để con phải uống nhiều thuốc".
Một số lưu ý về thuốc ho cho trẻ nhỏ
Thuốc ho có lẽ là phổ biến nhất với hầu hết phụ huynh. Chia theo dân dã thì có thuốc ho thảo dược (làm từ các loại cây cỏ) và thuốc tây gồm thuốc long đờm như ambroxol (halixol, olesom, acemuc), thuốc giảm ho như dextrometrophan, thuốc chống dị ứng để giảm ho do dị ứng như clophenylramin, theralen, rolatadin....
Đối với trẻ sơ sinh thì không nên tự cho uống bất kì loại siro ho nào kể cả thảo dược vì lợi ích mang lại là không rõ ràng mà nguy cơ tác dụng phụ rất cao đặc biệt là các loại thuốc tây.
Đối với trẻ lớn hơn thì thuốc ho nguồn gốc thảo dược được cho là an toàn hơn cả. Các nghiên cứu gần đây cho thấy mật ong có tác dụng giảm ho khá tốt trong các nguyên nhân ho do cảm lạnh thông thường nhưng không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi. Các loại thuốc ho là thuốc tây thì phụ huynh không nên tự ý cho con uống mà hỏi ý kiến bác sĩ.
Khi nào trẻ ho cần đi khám ngay?
Có những trường hợp trẻ ho là cần phải đưa đi thăm khám ngay, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo chỉ rõ đó là các trường hợp sau:
- Bất cứ khi nào bạn thấy con mình không khỏe hoặc điều đó làm bạn thấy lo lắng.
- Trẻ ho kèm sốt trên 38.5 độ.
- Ho kèm khò khè hoặc khó thở, tím tái.
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng.
- Ho nhiều, liên tục làm ảnh hưởng đến ăn ngủ của bé.
https://afamily.vn
|