Sau một năm triển khai Ðề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025" đã bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách...
Giáo viên Trường mầm non Hoa Sen, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh. Ảnh: HÀ THANH
Vụ trưởng Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nguyễn Thanh Ðề cho biết: Giáo dục dinh dưỡng là một nội dung quan trọng được Bộ GD và ÐT đưa vào giáo dục trong các nhà trường từ cấp học mầm non tới đại học thông qua tích hợp, lồng ghép trong các môn học có liên quan và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Giáo dục dinh dưỡng trong trường học không chỉ giúp cho trẻ hiểu rõ hơn về vai trò của chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý với sức khỏe mà còn giúp trẻ có thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh từ tuổi nhỏ. Thông qua việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng vào các nội dung giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vào chương trình giảng dạy; các hoạt động truyền thông về giáo dục sức khỏe đã được lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống tạo được môi trường sinh động, hấp dẫn hơn cho học sinh. Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Ðề án, Bộ GD và ÐT đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng những mô hình điểm tại các vùng, miền về việc thực hiện bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh. Từ trường học, thói quen thực hành dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực đã lan tỏa tới các cộng đồng và toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tổ chức ăn bán trú trong trường học; quỹ đất dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể dục trong trường học còn thiếu…, trong khi đó cán bộ phụ trách công tác bán trú và lên thực đơn phần lớn phải tự tìm hiểu để thực hiện, chưa được tập huấn chuyên môn và ít nhiều còn thiếu kinh nghiệm. Giám đốc Sở GD và ÐT Hải Phòng Lê Quốc Tiến chia sẻ: Hiện nay, nhiều trường học tổ chức ăn bán trú nhưng thực tế không biết thế nào là đúng và đủ; công tác giáo dục thể chất còn lạc hậu và khác xa với mong muốn, việc này phần nào ảnh hưởng sự phát triển của học sinh, sinh viên. Vì vậy, cần xây dựng thực đơn phù hợp trong các nhà trường và cải tiến chương trình học thể chất. Còn theo Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học (Viện Dinh dưỡng quốc gia) Bùi Thị Nhung: Việc giáo dục dinh dưỡng tạo cho trẻ em lối sống lành mạnh và giáo dục thể chất rất quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đã triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng nhưng ở các vùng khó khăn, khi mức thu chỉ từ 10 đến 15 nghìn đồng/bữa sẽ rất khó để thực hiện một bữa ăn đủ năng lượng chứ chưa nói đến cân bằng dinh dưỡng.
Trước đây, trường tiểu học chỉ có nhiệm vụ dạy dỗ, sau này, do nhu cầu xã hội, các trường có thêm nhiệm vụ nuôi dưỡng, nhân viên bếp chủ yếu là thuê mướn cho nên luôn thay đổi, biến động dẫn đến việc tập huấn cũng như kiện toàn kỹ năng không tốt, một số nơi cơ sở nhà bếp chưa hoàn thiện. Vì vậy, nhiều chuyên gia dinh dưỡng đề xuất các địa phương cần xây dựng một số quy định để có những cơ sở nhà bếp, con người chế biến bữa ăn an toàn. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng liên quan những thực phẩm không lành mạnh, do đó cần có chính sách cấm tiếp thị, quảng cáo sản phẩm không tốt cho sức khỏe trẻ em ở trong căng-tin, hay trước cổng trường học. Giám đốc Sở GD và ÐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho rằng: Bộ GD và ÐT cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để lãnh đạo địa phương nhận thức đầy đủ, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác giáo dục phát triển dinh dưỡng và thể lực có thể tận dụng giáo viên trong nhà trường, phải tập huấn, lồng ghép cho bài bản.
Trước những phản ánh nêu trên, Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Không phải đến bây giờ chúng ta mới thực hiện bảo đảm dinh dưỡng học đường, rèn luyện thể lực cho học sinh, sinh viên, nhưng lần này chúng ta làm bài bản. Một năm vừa rồi là bước khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm, để năm tới đây sẽ triển khai mô hình điểm về bữa ăn học đường tại từng vùng, miền có tính chất đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng, văn hóa, kinh tế - xã hội. Mặc dù dinh dưỡng đối với con người là giống nhau nhưng điều kiện về thổ nhưỡng, văn hóa, cơ địa khác nhau, nhất là điều kiện kinh tế khác nhau nên mô hình dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện phải có sự điều chỉnh. Do đó, cần tổng kết từ thực tiễn, từ những mô hình thành công sẽ nhân rộng. Thời gian tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nhấn mạnh đến giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ, trong đó đặc biệt quan tâm đến thể lực, sức khỏe.
Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả Ðề án, Bộ GD và ÐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ trong các nhà trường. Mặt khác, Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường; tiêu chuẩn dinh dưỡng của các thực phẩm, đồ uống bán ở căng-tin, trường học và quy định về thời gian hoạt động thể lực cho học sinh, sinh viên trong trường học phù hợp lứa tuổi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn của chế độ thể lực phù hợp, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật một số môn thể thao dành cho trẻ em, học sinh; xây dựng tài liệu hướng dẫn các bài tập thể dục nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh. |