So với cùng kỳ 2017, số bệnh nhân sởi đã tăng hơn 22 lần và hầu hết đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ.
Bộ Y tế cho biết từ năm 2017 số ca sởi tại Việt Nam có xu hướng tăng so với 2 năm trước đó. 10 tháng đầu năm ghi nhận hơn 2.300 ca sốt phát ban, trong đó 954 người dương tính với virus sởi, một bệnh nhân ở Hưng Yên tử vong trên nền viêm phổi kéo dài. Các tỉnh có nhiều bệnh nhân là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên...
Tiêm ngừa sởi cho trẻ.
Trong hàng nghìn bệnh nhân chỉ 370 người đã tiêm chủng, còn lại chưa được chủng ngừa hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi gần đây tăng song vẫn chưa đạt 95%, nhiều huyện/thị còn dưới 90%. Khi số lượng trẻ chưa được tiêm chủng nhiều, trong điều kiện virus sởi lưu hành có thể gây dịch.
Giữa năm 2018, Việt Nam đã bổ sung vắcxin sởi - rubella cho 33 huyện thuộc 6 tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Đến nay, hầu hết các huyện đã tiêm chủng hơn 95%.
Bộ Y tế tiếp tục mở chiến dịch tiêm vắcxin sởi bổ sung cho trẻ 1-5 tuổi tại 57 tỉnh, thành phố. Trong đó, tiêm trong tháng 11-12 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh thành. Đợt 2 thực hiện từ tháng 1-2/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố.
Vắcxin sởi và rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.