Hầu hết trẻ từ 3 - 6 tuổi có ít nhất một
lần bị viêm tai và thường xảy ra sau cảm lạnh. Tuy viêm tai cấp rất đau
nhưng khó nhận biết mức độ đau khi trẻ còn quá nhỏ để giao tiếp bằng
lời nói.
Tai giữa chỉ to bằng hạt đậu ở phía sau màng nhĩ,
gồm 3 xương rất nhỏ truyền rung động từ màng nhĩ vào tai trong, chuyển
đổi thành xung động thần kinh giúp ta nghe được. Tai giữa được nối với
mũi và họng bởi vòi nhĩ. Bình thường vòi nhĩ giúp cân bằng áp lực trong
và ngoài tai, đồng thời làm khô dịch ở tai giữa. Hầu hết viêm tai xảy ra
sau khi trẻ bị cảm lạnh và thường kèm theo sưng và viêm vòi nhĩ.
Khi vòi nhĩ bị viêm làm tắc vòi hoàn toàn, gây ứ
dịch ở tai giữa. Sự ứ dịch ảnh hưởng tới thính lực của trẻ ở mức độ nhẹ,
do màng nhĩ và các xương nhỏ ở tai giữa khó truyền rung động âm thanh
trong dịch. Mặt khác, dịch đọng lại ở tai giữa tạo môi trường lý tưởng
cho vi khuẩn và virut phát triển gây bệnh. Dịch viêm và mủ chèn ép tai
làm cho trẻ rất đau.
Dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa
Trẻ nhỏ khi bị đau tai có biểu hiện mệt mỏi và
tiếng khóc khác với khóc khi đói hoặc gắt ngủ. Nếu bạn chú ý có thể nhận
ra tiếng khóc của bé khi bị bệnh. Có lẽ khi khóc các cơ ở hàm và mặt cử
động sẽ làm cho đau tai tăng lên, nên tiếng khóc sẽ khác. Có thể thấy
trẻ cọ hoặc kéo tai và không đáp ứng với âm thanh do sức nghe bị kém đi.
Khi trẻ kêu đau tai kéo dài hơn một ngày hoặc kèm
theo sốt, bạn nên đưa bé đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Nếu nhìn
thấy máu và mủ chảy ra, có thể là dấu hiệu trẻ đã bị rách màng nhĩ. Bệnh
thường gặp ở trẻ quá nhỏ để có thể nói cho bạn biết chúng bị đau. Cho
nên khi chăm sóc bé từ 4 - 24 tháng tuổi, bạn cần cảnh giác với dấu
hiệu mất ngủ, cáu kỉnh và kém ăn sau khi trẻ bị cảm lạnh.
Bác sĩ có thể kiểm tra màng nhĩ và xem nó rung khi
đáp ứng với áp lực không khí hay không. Nếu màng nhĩ không chuyển động
tự do, là dấu hiệu có dịch trong tai giữa. Làm màng nhĩ đồ đánh giá màng
nhĩ chuyển động có tốt hay không; làm thính lực đồ để xác định dấu hiệu
mất nghe ở trẻ.
Nhiễm khuẩn kéo dài hoặc tái phát có thể làm tổn thương màng nhĩ, xương tai và cấu trúc tai giữa, có thể gây điếc vĩnh viễn.
Chăm sóc và phòng bệnh
Khi đã xác định trẻ bị viêm tai giữa do nhiễm
khuẩn, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh từ 5 - 10 ngày. Thuốc có hiệu
quả, trẻ sẽ khá hơn trong một vài ngày, nhưng bạn đừng ngừng thuốc quá
sớm có thể làm cho viêm tái phát và làm cho vi khuẩn kháng thuốc.
Hầu hết trẻ có dịch trong tai khoảng 2 tháng sau
khi đã khỏi viêm. Nếu dịch ở tai giữa ảnh hưởng tới sức nghe của trẻ,
hoặc viêm tai tái phát không đáp ứng với kháng sinh, bác sĩ có thể đặt
một ống nhỏ qua màng nhĩ giúp làm thoát dịch và cân bằng áp lực giữa tai
giữa và tai ngoài để cải thiện thính lực cho trẻ. Thủ thuật rạch màng
nhĩ yêu cầu phải gây mê.
Chăm sóc trẻ bị bệnh: Dùng thuốc giảm đau như
acetaminophen đúng liều theo tuổi và cân nặng của trẻ, theo chỉ dẫn của
bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng ghi trên hộp thuốc. Không dùng thuốc
aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi. Chườm ấm tai bằng cách dùng vải dấp nước
ấm chườm để giảm đau cho trẻ. Nhỏ tai bằng thuốc có chứa thuốc gây tê
theo đơn của bác sĩ để giảm đau. Không dùng thuốc nhỏ tai nếu trẻ có
chảy nước tai. Để làm trẻ dễ chịu hơn, cha mẹ hãy âu yếm trẻ.
Phòng bệnh: Có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho
trẻ bằng cách: chọn nơi giữ trẻ có quy mô nhỏ vì càng có nhiều trẻ em
trong lớp trẻ càng dễ bị lây cảm lạnh và nhiễm khuẩn. Tránh cho trẻ hít
phải khói thuốc lá, tốt nhất là không ai hút thuốc ở nơi có trẻ nhỏ. Các
bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong năm đầu vì sữa mẹ truyền
miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ chống lại viêm tai giữa và các bệnh nhiễm
khuẩn khác.