Kinh nghiệm dân gian không phải lúc nào cũng đúng vì vậy mẹ hãy lưu ý trước khi áp dụng cho bé.
Nhiều mẹ vẫn giữ niềm tin vững chắc với những bài
thuốc dân gian vì đó là những kinh nghiệm được các cụ đúc rút và truyền
lại. Do đó, khi con bị bệnh, các mẹ không ngần ngại đem những mẹo dân
gian học hoặc nghe được để áp dụng cho con. Tuy nhiên thực tế, mẹ cần
phải biết rằng có nhiều mẹo chữa bệnh cho trẻ không làm thuyên giảm bệnh
còn dẫn đến tình trạng nguy kịch hơn. Dưới đây là những mẹo chữa trị
theo cách dân gian mà các mẹ nên tránh để đảm bảo an toàn cho trẻ.
1. Trị bỏng bằng kem đánh răng, nước mắm, vôi bột, mỡ trăn
Việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố
quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh
tình trạng bội nhiễm. Tuy nhiên, nhiều mẹ rất hay tùy tiện sử dụng những
mẹo chữa bỏng dân gian như bôi kem đánh răng, đổ nước
mắm vào, rắc vôi bột, bôi lòng trắng trứng, mỡ trăn, nhựa chuối, bùn ao,
vôi bột, có trường hợp còn xát cả muối hột vào vết bỏng… để trị bỏng
cho con. Thực tế điều trị cho thấy những cách chữa bỏng này chẳng những
không giảm bớt mà còn làm nặng thêm.
Khi bôi kem đánh răng, mỡ trăn, dầu cá lên vết thương bỏng sẽ có cảm
giác vết bỏng đỡ rát, nhưng thực tế lại không có tác dụng hạ nhiệt cho
vết bỏng. Kem đánh răng có chất kiềm sẽ làm vết bỏng nặng, sâu hơn. Nếu
bôi kem đánh răng, vô tình con lại bị bỏng kiềm thêm một lần nữa.
Mỡ trăn là mỡ động vật có thể gây nhiễm trùng và hoại tử với vết bỏng
hở. Còn dầu cá lại có tác dụng giữ nhiệt, nhiệt không thoát ra ngoài
được, vết bỏng càng có nguy cơ sâu hơn. Đối với các chất khác như nước
mắm, dấm, lòng đỏ trứng khi bôi vào vết bỏng sẽ không đảm bảo được vô
trùng, không có tác dụng kháng khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng là
rất lớn. Khi đó, việc điều trị sẽ càng phức tạp và nguy hiểm hơn, thậm
chí khiến người bệnh tử vong do sốc.
Tốt hơn hết khi bé bị bỏng, mẹ nên hạ nhiệt ngay vết bỏng bằng cách
ngâm phần bỏng vào nước mát, sạch. Sau đó đưa bé đến viện cấp cứu càng
sớm càng tốt. Như vậy khả năng hồi phục, lành da sẽ rất nhanh.
2. Nước tỏi ép trị sổ mũi
Nhiều bà mẹ thường truyền nhau cách ép nhánh tỏi rồi trộn với nước
muối sinh lý nhỏ vào mũi của bé để trị chứng hắt hơi, sổ mũi. Tuy nhiên,
các chuyên gia cho rằng, việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm.
Theo các bác sĩ chuyên gia, tỏi chứa chất Allicin có thể diệt vi
trùng và vi nấm. Nó có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm. Tuy nhiên,
việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù
nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ.
Niêm mạc mũi trẻ rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại nóng, cay, nhất
là nước tỏi đậm đặc. Do đó, nhỏ nước tỏi ép không đúng cách sẽ rất nguy
hiểm, có thể làm bỏng niêm mạc mũi. Khi niêm mạc mũi bị bỏng rộp, nếu
không phát hiện điều trị sớm, có thể gây hoại tử da. Hơn nữa, khi bỏng
rộp niêm mạc mũi, trẻ sẽ khó thở bằng đường mũi, buộc phải thở bằng
miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi. Vì thế,
các chuyên gia y tế khuyến cáo người lớn không sử dụng nước tỏi ép để
nhỏ mũi cho trẻ.
khi trẻ hắt hơi, sổ mũi, mẹ có thể rửa mũi cho con nhưng chỉ nên sử
dụng nước muối sinh lý để nhỏ. Sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định,
không tự ý dùng thuốc.
Việc nhỏ nước tỏi ép vào mũi là rất nguy hiểm vì nó dễ gây nóng rát, phù nề có thể làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ ( Ảnh minh họa)
3. Bé bị đau khi mọc răng – cho uống rượu
Cho bé uống ít rượu khi đang mọc răng có thể làm tê vết đau, tuy
nhiên cách này lại rất nguy hiểm cho sức khoẻ của bé, bởi chúng có thể
làm tổn thương nướu răng và dẫn tới ngộ độc.
Mọc răng là một bước phát triển rất tự nhiên của trẻ. Do đó, bố mẹ
không cần quá lo lắng, hãy để bé tự “vượt qua” để lớn lên. Trong trường
hợp bé quá khó chịu, thay vì sử dụng thuốc, bố mẹ có thể dùng một số cách giúp bé giảm đau khi mọc răng an toàn như sau:
- Dùng một vòng ngậm mọc răng sạch sẽ. Vòng mọc răng để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc khăn ướp lạnh cho bé mọc răng.
- Ướp lạnh núm vú cao su. Tương tự vòng mọc răng ướp lạnh, bạn có thể đặt ti giả trong bát với vài cục đá viên rồi cho bé ngậm.
- Massage lợi: Xoa lợi của bé với ngón tay sạch của mẹ có thể giúp bé tức thời làm dịu cơn đau.
4. Tắm nước lá cho bé khi bị rôm sảy, mẩn ngứa
Việc sử dụng các loại lá theo hình thức truyền miệng để tắm cho con
mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa có thể làm trẻ bị viêm da.
Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi
gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu
cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng
tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ. Có những trẻ bị viêm
nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho
tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh
mạch não và để lại di chứng suốt đời.
Đó là còn chưa kể đến nhiều loại lá cây mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ
ruộng bị nhiễm khuẩn, có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả
khi đun sôi vẫn không diệt hết mầm bệnh, sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn rất
cao cho bé. Do vậy, nhiều mẹ không tìm hiểu kĩ đã vội vàng tắm nước lá
cho con, dẫn đến hậu quả con bị viêm da do nhiễm khuẩn, trong trường hợp
này, nếu không điều trị kịp thời sẽ dấn đến nguy cơ nhiễm trùng máu,
thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.
Để phòng các bệnh mụn nhọt, viêm da, nhiễm trùng da ngày hè mẹ cần
tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé hàng ngày bằng xà phòng tắm,
sữa tắm dành riêng cho trẻ. Mặc quần áo thoáng, sạch sẽ cho con. Khi cơ
thể bé xuất hiện các nốt mẩn ngứa, mụn nhọt mẹ cần cắt móng tay cho con
để hạn chế việc trẻ gãi gây trầy xước dẫn đến vi khuẩn có cơ hội xâm
nhập, dễ dẫn tới nhiễm trùng da.
5. Ngửa đầu về phía sau khi bị chảy máu cam
Thông thường khi bị chảy máu cam, kể cả người lớn và trẻ nhỏ hay có
thói quen là bóp mũi và ngửa đầu về phía sau để ngăn máu chảy ra ngoài.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo không nên làm như vậy, vì ngả đầu về
phía sau có khả năng bạn nuốt máu vào bụng, gây nôn ói.
Do đó, cách trị chảy máu cam chuẩn là thay vì ngửa cổ ra sau,
việc mẹ nên cho bé ngồi xuống, kẹp mũi và nghiêng người về phía trước.
Lý do là bởi nghiêng về phía trước sẽ làm máu không thể chảy ngược vào
cổ họng, ngồi xuống để tránh tình trạng hoạt động nhiều làm máu cam
trong mao mạch mũi chảy ra nhiều hơn. Mẹ cũng có thể dùng bông gạc cầm
máu và làm liền sẹo để dịt vào nơi chảy máu cho bé hoặc dùng một cục
nước đá đặt vào gốc mũi cũng có tác dụng làm cho máu ngừng chảy.