Trẻ em bị thấp còi khi trưởng thành có chiều cao thấp. Hơn nữa, những
người bị suy dinh dưỡng thấp còi thường hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn do
suy giảm hệ miễn dịch, lao động kém hơn so với người bình thường.
Suy dinh dưỡng thấp còi phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài
do trẻ không được bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ
ăn bổ sung không đúng cách, cụ thể như:
- Các bữa ăn không đầy đủ dưỡng chất, dưỡng chất không cân bằng, không đảm bảo chất lượng…
-
Thiếu vi chất dinh dưỡng như: canxi, kẽm, vitamin, Selen và khoáng chất
dẫn đến trẻ dễ bị nhiễm bệnh, suy dinh dưỡng,… ảnh hưởng tới sự phát
triển của hệ cơ, xương khớp, hệ thần kinh.
- Trẻ lớn vận động ít (lười luyện tập thể dục thể thao) dẫn đến biếng
ăn, yếu ớt, kém ngủ, tăng cân chậm, các tế bào xương chậm phát triển
khiến tình trạng thấp còi diễn ra nghiêm trọng hơn.
Với mỗi nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi
của trẻ người nuôi dưỡng trẻ cần có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp
với từng nhóm trẻ.
Chế độ dinh dưỡng đối với bà mẹ trong thời kỳ mang thai
Thực hiện dinh dưỡng tốt trong 1.000 ngày vàng đầu tiên của trẻ: chăm
sóc sức khoẻ cho bà mẹ ngay từ khi mang thai. Dinh dưỡng của bà mẹ
trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển bào thai,
chế độ ăn phải đảm bảo nhu cầu protein, năng lượng, vitamin và khoáng
chất để phòng chống thiếu năng lượng, thiếu máu, thiếu canxi… Thức ăn đa
dạng và có đủ 4 nhóm thực phẩm.
Ngoài chế độ ăn nên uống thêm viên sắt, Acidfolic để phòng chống
thiếu máu và dị tật ống thần kinh thai nhi. Cần khám thai định kỳ và
theo dõi tăng cân từng quý để bổ sung dinh dưỡng kịp thời.
Chế độ dinh dưỡng đối với trẻ
- Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn
toàn 6 tháng đầu đời. Sau đó cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ
đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải bổ sung
sữa bột công thức theo tháng tuổi, khi trẻ đã lớn vẫn phải duy trì uống
sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ,
nhất là trẻ còn nhỏ chưa ăn được nhiều tôm, cua, cá. Hơn nữa canxi
trong sữa lại dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác.
- Cung cấp đủ năng lượng cho trẻ bằng cách ăn đủ các bữa cháo, bột,
cơm… hàng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ dầu mỡ trong các bữa ăn.
- Ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng,
sữa. Đặc biệt các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như: thịt gà, con
hàu…, vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển
chiều cao ở trẻ em.
- Ăn nhiều rau xanh, quả chín giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau
quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón
giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…
- Cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như: vitamin D, vitamin A, canxi, kẽm, sắt… theo hướng dẫn của bác sĩ.
Về cách thức cho trẻ ăn
Cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ bữa: 3 bữa chính và các bữa phụ như: sữa,
sữa chua, phô mai, trái cây, góp phần làm cho khẩu phần cả ngày của trẻ
đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.
Cần đảm bảo tính đa dạng của khẩu phần bổ sung: có ít nhất 5 trong 8
nhóm thực phẩm, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Nên lựa chọn thực
phẩm phù hợp với độ tuổi để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo tính cân đối của
khẩu phần theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị ở từng giai đoạn phát
triển của trẻ.
Chế biến đúng cách tạo cảm giác thích thú cho trẻ và giảm việc mất các chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến và bảo quản.
Khuyến khích trẻ ăn thay vì ép buộc, hãy để trẻ thoải mái ăn theo nhu
cầu và không nên kéo dài bữa ăn quá lâu (trên 30 phút) và không gây tâm
lý ức chế trong bữa ăn của trẻ. Nếu trẻ không ăn được nhiều, nên chia
thành nhiều bữa cho trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt giúp trẻ có cảm
giác đói, khi đến bữa ăn trẻ sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.
Ngoài ra, việc khuyến khích trẻ vận động phù hợp với lứa tuổi, tắm
nắng đúng cách và không thức khuya, ngủ đủ, ngủ sâu giấc là rất cần
thiết để trẻ có sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng tốt.