Chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế năm 2019 có một số thay đổi so với trước đây như: thay đổi vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sang ComBe Five; thay đổi vắc xin bại liệt theo đường uống sang đường tiêm; sử dụng vắc xin sởi – rubela do Việt Nam tự sản xuất.Bộ Y tế đã ra thông tư về việc tiêm chủng vắc xin bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: Viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B,bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella. 2 vắc xin được chỉ định tiêm ngay sau sinh là tiêm vắc xin viêm gan virus B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao – tiêm một lần cho trẻ trong vòng một tháng đầu.
Lịch tiêm chủng mở rộng 2019 có một số thay đổi đáng chú ý chính là: Từ năm 2019 Việt Nam có vắc xin thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng 2019, đồng thời triển khai vắc xin bại liệt theo đường tiêm và sử dụng vắc-xin sởi – rubela do Việt Nam tự sản xuất. Những thay đổi này bắt đầu triển khai từ tháng 6/2019. Theo đó, vắc xin 5 trong 1 được lựa chọn để thay thế vắc-xin Quinvaxem có tên thương mại là vắc xinComBe Fivedo Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017.
Lịch tiêm vắc xin ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.
Từ tháng 6/2019, trẻ sẽ được tiêm một mũi vắc-xin bại liệt tiêm IPV lúc 5 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng. Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng 2019 là vắc xin của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vắc xin này do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng hỗ trợ và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cung ứng. Sởi vẫn là mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng khi bé tròn 9 tháng tại các trạm y tế xã.
Lịch tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế:
Theo quyết định số 845/2010/QĐ-BYT ngày 17/03/2010 của Bộ Y tế, từ năm 2010, lịch tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng áp dụng như sau:
Sơ sinh
-Tiêm vắc xin Viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh
-Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao
Từ 2 tháng tuổi
-Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B- Hib mũi 1(vắc xin 5 trong 1)
-Uống vắc xin bại liệt lần 1
Từ 3 tháng tuổi
-Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B- Hib mũi 2
-Uống vắc xin bại liệt lần 2
Từ 4 tháng tuổi
-Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib mũi 3
-Uống vắc xin bại liệt lần 3
Từ 9 tháng tuổi trở lên
-Tiêm vắc xin sởi mũi 1
Từ 12 tháng tuổi trở lên
-Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1
-Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau mũi 1)
-Vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2)
Từ 18 tháng tuổi
-Tiêm vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván mũi 4
-Tiêm vắc xin sởi – rubella (MR)
Từ 2 đến 5 tuổi
-Vắc xin Tả 2 lần uống (vùng nguy cơ cao)
(lần 2 sau lần một 2 tuần)
Từ 3 đến 10 tuổi
-Vắc xin Thương hàn tiêm 1 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao)
Các lưu ý sau tiêm vắc-xin cho trẻ
– Sau khi tiêm, nếu trẻ bị sốt nhẹ, chỗ tiêm bị sưng đỏ là phản ứng bình thường, không đáng ngại.Trẻ sốt dưới 38 độ C, mẹ nên mặc thoáng, lau người cho con bằng nước ấm. Nếu trẻ sốt từ 38-39 độ C, mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt cho con, còn trẻ sốt trên 39 độ C, bố mẹ nên đưa đi viện ngay vì bất kỳ lý do gì.
– Nếu trẻ bị sốt nhẹ, tiêu chảy hay suy dinh dưỡng vẫn cho trẻ tiêm chủng như thường lệ.
– Sau năm đầu, nhớ đưa trẻ đi tiêm ngừa nhắc lại theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bộ Y tế đề ra định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vắc-xin đáp ứng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia, thay thế sản phẩm nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, dạng vắc-xin “5 trong 1” và “6 trong 1” phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vắc-xin mới tại Việt Nam hiện nay.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất được vắc-xin và là một trong 39 quốc gia được WHO công nhận quản lý vắc-xin đạt chuẩn quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất được 10 loại vắc-xin, trong đó, có 8 loại vắc-xin đủ cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đặc biệt, 4 loại vắc-xin viêm não nhật bản B, sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế có thể mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu.
Phân tích từ các chuyên gia cũng cho thấy, Việt Nam đang trải qua giai đoạn nước có thu nhập trung bình, người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào vắc-xin được sản xuất trong nước. Do vậy vắc-xin của Việt Nam tự sản xuất ra hiện chủ yếu phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng, 100% miễn phí từ ngân sách Nhà nước.