Mồ hôi trộm là tình trạng trẻ bị
ra mồ hôi rất nhiều trong trạng thái hoàn toàn tĩnh, trẻ thường bị đổ
mồ hôi nhiều vào ban đêm nên dân gian quen gọi là “đổ mồ hôi trộm”. Tuy
nhiên, nếu chứng mồ hôi trộm xuất hiện thường xuyên và liên tục sẽ gây
nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của trẻ.
Trẻ có mồ hôi trộm thường ra nhiều nhất ở
lưng, trán, nách, háng, bàn tay – bàn chân, vì đó là nơi có nhiều tuyến
MH nằm dưới da.Dấu hiệu thường gặp ở trẻ là quấy khóc nhiều vào ban
đêm, ngủ không yên giấc, hay giật mình thức giấc nửa đêm. Theo lời bác
sĩ nhi khoa, trẻ con thường hay đổ mồ hôi ở giai đoạn ngủ sâu và có khả
năng đổ mồ hôi trộm khi ngủ cao hơn người lớn vì hệ thống điều chỉnh
nhiệt độ còn non nớt. Bên cạnh đó, bé có tỷ lệ số lượng tuyến mồ hôi so
với kích thước cơ thể khá cao.
Trước tiên cần phân biêt trẻ đổ mồ hôi do nóng hoặc lạnh với trẻ bị đổ mồ hôi trộm khi ngủ
Bé bị nóng sẽ cảm thấy nóng nực trước
khi bắt đầu ngủ sâu. Còn bé đổ mồ hôi trộm, dù ngủ dậy với mồ hôi ướt
đẫm quần áo, bé vẫn thấy thoải mái trong khi ngủ. Khi gáy trẻ ấm, đầu
nóng thì mồ hôi đó là nóng. Còn khi gáy lạnh, quanh đầu cũng lạnh thì đó
là mồ hôi do lạnh, chỉ cần lau hết mồi hôi và ủ ấm là hết.
Vì vậy, nếu con của bạn đổ hồ môi trước
khi ngủ hay nếu bé khó chịu vì trời quá oi bức, hãy điều chỉnh máy điều
hòa nhiệt độ và chắc chắn rằng bé không đắp quá nhiều chăn. Mẹ cũng nên
lưu ý trang phục mặc ngủ của bé, chỉ cần một lớp đồ ngủ là đủ rồi.
Cần phân biệt mồ hôi trộm sinh lý và mồ hôi trộm bệnh lý
- Do sinh lý: Trẻ bị đổ
mồ hôi trộm là vì hệ thần kinh đại não của trẻ phát triển chưa hoàn
thiện, trẻ nhỏ đang trong thời kỳ tăng trưởng phát triển, sự trao đổi
chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn người lớn, nếu lại tăng thêm một chút
hưng phấn và kích thích thì sẽ ra mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể.
Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn hằng định. Mồ
hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
- Do bệnh lý: Thường
xuất hiện ở những trẻ mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm, biểu hiện là đầu
trẻ ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng
tiết nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết, đồng thời kèm những biểu
hiện khác của còi xương như thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình
gà, chân vòng kiềng hoặc có biểu hiện của lao sơ nhiễm (ho kéo dài, ăn
uống kém, Xquang phổi có tổn thương lao sơ nhiễm).
Khi mồ hôi ra quá nhiều và liên tục, cơ
thể sẽ mất đi một lượng nước và muối sẽ khiến cơ thể trẻ yếu đi, người
mệt hơn, lỗ chân lông mở rộng. Đây là những nguyên nhân làm cho cơ thể
bé dễ bị ngấm lạnh, phổ biến thường thấy là các chứng bệnh về hô hấp như
viêm họng, viêm phổi, bé thường hay bị cảm, ho, sổ mũi… Nếu hiện tượng
đó kéo dài, cơ thể trẻ sẽ bị suy kiệt. Do vậy, nếu trẻ ra mồ hôi quá
nhiều không biết rõ nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý cha mẹ cần đưa tới
cơ sở y tế khám tìm nguyên nhân để chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân gây mồ hôi trộm ở trẻ
- Thiếu vitamin D: Trẻ
em dưới 1 tuổi đa số hay thiếu vitamin D do đây là giai đoạn hệ xương
phát triển mạnh mẽ nhất, ngoài ra trẻ sinh non, trẻ sinh nhẹ cân, trẻ
mắc các chứng bệnh nhiễm khuẩn, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, trẻ
còi xương… là những đối tượng bị thiếu hụt vitamin D trầm trọng. Cha mẹ
có thể dễ nhận thấy trẻ thường hay bị mồ hôi nhiều ở trán, vùng gáy ngay
cả khi thời tiết đang lạnh, đặc biệt là lúc trẻ ngủ nên trẻ hay rụng
tóc ở phần sau gáy.
- Ánh mặt trời: Nguyên
nhân thiếu ánh nắng mặt trời thường do nơi sinh sống quá chật hẹp, hoặc
do tập quán giữ trẻ trong nhà, không cho tiếp xúc với ánh sáng, mặc quá
nhiều quần áo, do thời tiết ở các nước có nhiều sương mù, mùa đông…gây
cản trở việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời của trẻ, khiến trẻ bị thiếu
hụt vitamin D.
- Một số trẻ bị đổ mồ hôi nhiều vào ban
đêm vì mẹ đắp quá nhiều chăn cho trẻ, hoặc phòng ngủ của trẻ quá bí hơi
không có chỗ thông gió cũng có thể gây đổ mồ hôi nhiều ở trẻ. Trong
trường hợp này, ra mồ hôi trộm không phải là một chứng bệnh, cha mẹ chỉ
cần làm thông thoáng chỗ trẻ ngủ là có thể khắc phục tình trạng này.
- Ngoài ra, trẻ đổ môi nhiều do cha mẹ
thường có thói quen ủ trẻ quá kỹ vì sợ trẻ bị cảm lạnh nên thường đắp
chăn hoặc quấn mền quá nhiều cho trẻ tạo ra sự nóng bức ngột ngạt, trẻ
dễ cảm thấy khó chịu và thường toát mồ hôi. Mồ hôi trộm trong tình huống
này không phải là chứng bệnh mà chỉ cần cha mẹ lưu ý là trẻ hết đổ mồ
hôi.
Biện pháp ngăn ngừa mồ hôi trộm ở trẻ
- Bổ sung vitamin D: Cha
mẹ nên cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng, trước 10 giờ với thời gian tắm
nắng nên tăng dần từ 10 – 30 phút. Để cho da của trẻ tiếp xúc với ánh
nắng càng nhiều càng tốt, không cho mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng
mặt trời.
- Giữ cho cơ thể trẻ luôn mát mẻ:
Phòng ngủ nên rộng, thoáng, nên cho trẻ chơi đùa trong bóng râm, luôn
tắm rửa sạch sẽ hàng ngày và cần bổ sung lượng nước đầy đủ cho trẻ hàng
ngày.
- Dinh dưỡng hợp lý: Cho
trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát như rau má, cải ngọt, cải đắng,
bí đao, bí đỏ, thanh long, cam quýt. Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn
“nóng” như dầu mỡ, thịt bò, tôm cua, cá biển…hoặc các loại trái cây
“sinh nhiệt” như mít, sầu riêng, xoài… Các thức ăn này nhiều năng lượng,
sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa, dễ làm cho cơ thể trẻ ra
nhiều mồ hôi, có thể gây ngứa hoặc thậm chí nổi mụn ngoài da.
Nếu phát hiện những bất thường về hiện
tượng ra mồ hôi trộm của trẻ (mồ hôi trộm bệnh lý), kèm theo một số
triệu chứng khác ở trẻ như trẻ bị sốt thường xuyên, tinh thần sa sút,
đầu tóc lưa thưa, chậm mọc răng, thóp đầu chậm liền, chậm biết bò, chậm
biết đi… phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để trẻ được kiểm tra và
chữa trị kịp thời.