Rối loạn hệ tiêu hóa, giảm hệ miễn dịch, nhiễm lạnh đường hô hấp... là
những bệnh trẻ thường gặp dịp Tết vì thay đổi thói quen sinh hoạt, ham
chơi, ăn nhiều đạm...
Chị Hà (Thái Thịnh, Hà Nội) đang phân vân không biết có nên cho con về thăm ngoại dịp Tết hay không.
“Năm nay là Tết đầu tiên cu Bin được về thăm quê ngoại. Năm ngoái, bé
mới được 5 tháng tuổi, lại bị ốm nên tôi không dám đưa về, sợ đi đường
xa con ốm nặng thêm. Tôi hứa với ông bà ngoại cho Bin về chơi Tết nên
ông bà mong lắm. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng vì Bin vốn sức đề kháng kém,
bình thường đã hay ốm vặt. Dịp tết này lạ nhà, không biết sức khỏe có
đảm bảo”, chị cho biết. Nỗi niềm lo lắng con ốm cũng là tâm sự chung của
các bố mẹ có con nhỏ chuẩn bị về quê đón Tết.
Theo nhiều bác sĩ, Tết là dịp trẻ hay ốm, đặc biệt là các bé có sức khỏe
hay sức đề kháng kém vì khi đi ôtô, tàu hay máy bay đường dài, trẻ có
thể bị say tàu xe hoặc mệt mỏi, khiến sức khỏe giảm sút.
Ngoài ra, việc thay đổi sinh hoạt do hoạt động thăm hỏi họ hàng, anh em,
bạn bè hoặc vui chơi ngày Tết, đặc biệt là thức quá khuya, ngủ không đủ
giấc làm giảm khả năng đề kháng - miễn dịch của bé.
Chế độ dinh dưỡng không cân bằng, nhiều tinh bột, protein, lipid hơn
vitamin và khoáng chất trong rau củ quả cũng không có lợi cho hệ miễn
dịch của trẻ.
Bên cạnh đó, tụ tập nhiều ở nhưng nơi đông người ngày Tết làm bé có nguy
cơ cao bị lây nhiễm bệnh, nhất là các bệnh đường hô hấp. Đối với miền
Bắc, Tết là dịp thời tiết có những đợt lạnh sâu, việc trẻ ra đường hay
ngoài trời nhiều vào buổi sáng hoặc ban đêm đều có nguy cơ cao bị ốm do
nhiễm lạnh đường hô hấp.
Các bệnh trẻ thường gặp dịp này là viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu
hóa... Trong đó, trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi thường gặp các vấn đề về bệnh
hô hấp. Vào ngày Tết, nếu miền Nam thời tiết nóng, trẻ hay uống nước
ngọt và nước đá. Ngược lại, ở miền Bắc thời tiết lạnh có thể rét đậm rét
hại nên trẻ dễ bị mắc các bệnh như viêm họng, viêm mũi, ho, sốt, cảm
cúm. Nếu không điều trị kịp thời hoặc trẻ có sức đề kháng kém rất dễ bị
tiến triển bệnh sang viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, tiểu phế
quản, viêm phổi với nguy cơ suy hô hấp như khó thở, khò khè, sốt cao,
tím tái và co giật.
Đối với bé có cơ địa dị ứng, việc đi lại nhiều, chế độ ăn mất cân bằng,
thiếu ngủ cũng làm cho miễn dịch yếu đi và tăng nguy cơ bị dị ứng.
Tết là thời gian các gia đình thay đổi thực đơn hàng ngày, đồng thời bố
mẹ thường dẫn các bé đi chơi, thăm thú các khu vui chơi, du lịch… Trẻ sẽ
có nhiều khả năng ăn những thức ăn lạ, thức ăn bên ngoài không đảm bảo
chất lượng, bị nhiễm khuẩn. Ở mức độ nhẹ, bé có thể bị rối loạn tiêu hóa
với các biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón. Khi bị ngộ độc thức ăn, triệu
chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy xuất hiện sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ,
trẻ nôn liên tục hoặc nhiều lần trong ngày.
Để giúp bé phòng tránh các bệnh mùa Tết, bố mẹ nên giữ ấm cho con trong
thời tiết lạnh khi đi ra ngoài. Theo đó, phụ huynh có thể đội mũ, đeo
khăn, găng tay và khẩu trang cho bé nếu phải ra ngoài khi trời gió hoặc
khi đi tàu xe (bé có thể mất đến 50% nhiệt độ cơ thể do thoát nhiệt ở
đầu). Nên chọn cho bé những chiếc áo khoác, mũ không thấm nước. Nếu bé
bị dính nước mưa, cần thay quần áo cho con thật nhanh, bao bọc bé, sau
đó cho con dùng đồ uống ấm.
Ngày Tết do đi lại, vận động nhiều, cơ thể con cần nhiều vitamin và nước
hơn. Mẹ nên cho bé ăn mỗi ngày với rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ ăn
nướng, đồ ăn để lâu trong tủ lạnh. Rau theo mùa lạnh như cải bắp, bí
ngô, cà rốt rất tốt vì chúng có nhiều vitamin bé cần. Ngoài ra, mẹ nên
bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp bé tăng đề kháng như nấm, sữa chua,
ngũ cốc, khoai lang… Với bé sơ sinh, mẹ cho bé bú đủ, đều đặn để tăng
cường miễn dịch.
Mẹ cũng có thể bổ sung các chất tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch
trực tiếp với beta (1.3/1.6)-D-Glucan. Đây là chất tăng cường miễn dịch
trực tiếp thông qua kích hoạt hệ thống kháng thể và đại thực bào bạch
cầu tăng cường hoạt động chống lại các tác nhân gây bệnh.