Thời tiết nóng nực mùa hè khiến trẻ em dễ mắc bệnh (nguồn: Internet)
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh bùng phát thành dịch. Theo thống kê những năm gần đây, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, có tới 10 loại bệnh được đưa vào danh sách “đen” như: cúm, tiêu chảy, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực khuẩn, thủy đậu, andenovirus, lỵ amip, rubella, viêm não vi rút. Trong đó, đứng đầu về số ca mắc là cúm, tiêu chảy, tay - chân - miệng và sốt xuất huyết.
Để ngăn ngừa dịch bệnh thường gặp vào mùa hè có thể bùng phát thành dịch, Cục Y tế Dự phòng đã đưa ra các khuyến cáo quan trọng cho một số bệnh như sau:
Bệnh sốt xuất huyết
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, biện pháp hàng đầu là ngăn ngừa muỗi đốt và diệt muỗi.
Cần diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước. Lật úp các dụng cụ không chứa nước, bỏ muối, dầu, hóa chất diệt loăng quăng vào bát nước kê chân chạn hay các ổ nước đọng. Thường xuyên loại bỏ các ổ nước đọng xung quanh nhà để ngăn ngừa muỗi đẻ trứng như mảnh chai lọ, vỏ dừa, lu nước vỡ, bẹ lá, lốp xe cũ... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt cả ban ngày lẫn ban đêm. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh tay - chân - miệng
Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, vệ sinh cá nhân là biện pháp đặc biệt quan trọng trong phòng ngừa căn bệnh này.
Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng. Dùng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc, bát, thìa, đồ chơi... chưa được vệ sinh, khử khuẩn.
Thường xuyên làm sạch các nơi sinh hoạt như bề mặt, vật dụng, đồ chơi thường sử dụng, tiếp xúc. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ đúng nơi quy định.
Kịp thời phát hiện sớm khi trẻ mắc bệnh để tổ chức cách ly, điều trị, tránh lây bệnh cho trẻ khác, người khác. Trẻ bị bệnh phải cách ly ít nhất 10 ngày.
Bệnh tiêu chảy
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cần: đảm bảo VSATTP, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ, không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
Khi có dấu hiệu tiêu chảy phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm não vi rút
Theo Cục Y tế Dự phòng, thời điểm dễ bùng phát căn bệnh này chính là vào tháng 6 đến tháng 8. Vì vậy, việc phòng bệnh là rất cần thiết, nhất là khi căn bệnh này có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng nêu rõ, để phòng chống bệnh viêm não vi rút cần:
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Di dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ ổ bọ gậy.
Khi ngủ cần mắc màn. Thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi.
Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Đảm bảo VSATTP, ăn chín, uống chín.
Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản, tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Không tự ý điều trị cho trẻ, khi trẻ bị sốt cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời.