Thời điểm hiện tại đang là đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết. Cả nước đã
ghi nhận hơn 60.000 ca mắc, trong đó có 18 ca tử vong. Số ca mắc tập
trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và Hà Nội.
Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đang
tăng nhanh và diễn biến bất thường do không khí ẩm ướt, mưa nhiều, sản
sinh ra nhiều ổ muỗi gây bệnh. Thời gian qua, các bác sĩ đã gặp nhiều
trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) nhập viện trong tình trạng
nặng, có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do
nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm
trong điều trị căn bệnh này.
Những sai lầm nghiêm trọng
Nếu có những dấu hiệu bất thường, nên đưa người bệnh đến ngay bệnh viện
Sốt
xuất huyết không phải là bệnh truyền nhiễm quá nguy hiểm, hoàn toàn có
thể phòng tránh bằng những biện pháp đơn giản như dọn dẹp vệ sinh môi
trường, phun thuốc diệt cung quăng, bọ gậy, diệt muỗi, ngủ phải móc
màn… Tuy nhiên, hiện dịch đang bùng phát và khiến số người tử vong tăng
lên.
Theo Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế, tính từ
đầu năm tới nay, cả nước ghi nhận hơn 39.000 trường hợp mắc sốt xuất
huyết tại 51 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, dịch sốt xuất huyết đang có
dấu hiệu bùng phát tại những khu vực, những tỉnh thành có nhiều công
nhân lao động nghèo - những người do điều kiện kinh tế đang phải sống
trong những khu dân cư, nhà trọ chật chội, ẩm mốc, môi trường xung quanh
bị ô nhiễm… Và nhận thức của họ về các biện pháp phòng chống sốt xuất
huyết còn nhiều hạn chế.
Tại Bệnh viện Bạch Mai
và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận nhiều ca bệnh nặng nhập
viện, trong đó có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương
gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai
lầm trong điều trị bệnh tại nhà. ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa
cấp cứu – Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương) đã chỉ ra những sai lầm khi
điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà người dân cần tránh. Trong đó có
những sai lầm phổ biến như sau:
Trước hết là tự ý
sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Do bệnh nhân sốt xuất huyết
thường sốt cao, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là
đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong
lại tiếp tục tăng cao.
Người bệnh chỉ nên dùng
thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần.
Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể
cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên
cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước
ấm. Đặc biệt, người mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc
aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu
trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính
mạng.
“Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần
paracetamol, tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ”, BS
Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Các chuyên gia y tế
cũng cho biết, bệnh sốt xuất huyết không có kháng thể miễn dịch đối với
những người đã mắc bệnh. Mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần
trong cả đời người vì hiện nay có 4 tuýp virus sốt xuất huyết. Tất cả
các đối tượng đều có thể bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây qua
đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua
muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành
qua vết đốt.
Đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào
chứng minh người mắc sốt xuất huyết kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh,
vì vậy người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn
thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. Ngoài ra, tuyệt đối
không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến
phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người cứ thấy sốt
là mua kháng sinh sử dụng, nhưng với với bệnh sốt xuất huyết, dùng kháng
sinh không khỏi bệnh.
Bên cạnh việc tránh những
sai lầm trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân những việc cần
làm khi bị sốt xuất huyết. Đó là, trong những ngày đầu mắc bệnh, chỉ cần
uống thuốc hạ sốt, bù nước qua đường uống, hoặc uống oresol bù dịch hay
truyền nếu có chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh được chẩn đoán sốt
xuất huyết thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng
ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị, tránh
tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng
tiếc.
Nhập viện ngay khi phát hiện 5 dấu hiệu
Thông
thường, khi sốt cao 39-40 độ sang ngày thứ 2-3 không rõ nguyên nhân,
người dân cần đến BV làm xét nghiệm để loại trừ sốt xuất huyết. Đặc
biệt, nếu kèm trạng thái mệt mỏi, li bì, đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp,
nhức mắt thì càng cần phải đi khám, bởi đây là dấu hiệu điển hình của
sốt xuất huyết.
Hiện nay, test sốt xuất huyết đã
được phổ cập đến tận tuyến huyện. Chỉ khi kiểm tra không phải sốt xuất
huyết mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt virus, sốt viêm
họng...Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng cần nhập viện. Tại BV
Bệnh Nhiệt đới TƯ, hiện mỗi ngày khám 600-800 bệnh nhân sốt xuất huyết,
số nhập viện chỉ chiếm 7-9% song BV vẫn đang quá tải.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ về những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết
Theo
quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu
nhiều. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất,
đa phần bệnh nhân vẫn có thể điều trị ngoại trú tại nhà và tái khám theo
hẹn.Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy
hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, nhiều người bệnh cho
rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể
có những biến chứng nặng, cần được theo dõi. Nguy hiểm nhất là biến
chứng sốc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng...
BS
Nguyễn Trung Cấp lưu ý, khi có 5 dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết
trở nặng dưới đây thì người dân cần đến ngay BV. Đó là: Tự nhiên bồn
chồn, kích thích vật vã hoặc li bì. Nôn tăng. Tự dưng kêu đau bụng hoặc
tăng cảm giác đau. Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn. Chảy
máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam... Khi đến BV, BS sẽ đánh giá
thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm.
Vì
tầm quan trọng của bệnh, như nguy cơ mắc bệnh và tử vong, đặc biệt hiện
nay chưa có vaccin tiêm phòng thì việc phòng bị muỗi đốt truyền bệnh là
quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc phòng bệnh cần có ý thức chung của mọi
cá nhân và các hộ gia đình.
Cần lưu ý, không
tạo điều kiện cho muỗi tồn tại và phát triển: cần huy
động mọi nguồn lực
để tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phát quang các bụi rậm gần nhà, không
để nước tù đọng, đặc biệt lưu ý sau cơn mưa, các chum vại chứa nước cần
phải đậy kín để muỗi không có chỗ sinh sản. Trong nhà cần để thoáng,
không có chỗ cho muỗi cư trú. Ngoài hai biện pháp trên cần tránh để muỗi
đốt bằng cách nằm màn, dùng hương muỗi. Cần lưu ý là muỗi truyền bệnh
sốt xuất huyết đốt người vào ban ngày.
Admin