Mới đây, một video dài gần 2 phút ghi lại cảnh một du khách đột ngột ngã gục trong nhà hàng ở TP Đà Nẵng may mắn được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ, đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu tại chỗ kịp thời bằng cách ép tim, kết quả bệnh nhân đã được cứu sống.
Sau khi xem đoạn clip tuy ngắn ngủi, nhưng đó là những giây phút sinh tử của một con người, từ cõi chết trở về với sự sống, chúng ta vừa cảm phục vừa biết ơn chị điều dưỡng Hạ và những đồng nghiệp của chị đã có hành động chính xác đến tuyệt vời nhằm cứu sống bệnh nhân đột ngột ngất xỉu và ngưng tim.
Vậy ngoài nhân viên y tế có kỹ năng cấp cứu, còn tất cả những người tay ngang ngoài ngành y tế thì có thể làm được không? Câu trả lời là được, chắc chắn là được với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ làm nghề gì cũng có thể thực hiện được kỹ năng ép tim, vì thật sự nó rất- rất đơn giản. Để giúp bà con mình thực hiện chính xác kỹ năng ép tim, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:
- Về chuyên môn, ép tim cấp cứu là một biện pháp vô cùng quan trọng nhằm giúp duy trì sự sống cho nạn nhân trong trường hợp ngừng tim, ngừng thở. Có 3 lý do cần thực hiện ép tim cấp cứu.
+ Thứ nhất là duy trì lượng máu lưu thông trong cơ thể. Khi tim ngừng đập, máu không còn được bơm đi khắp cơ thể, dẫn đến thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho các cơ quan, đặc biệt là não. Não thiếu oxy không quá 5 phút. Sau 5 phút thiếu oxy hoàn toàn, các tế bào não bắt đầu chết dần và không thể phục hồi. Ép tim giúp tạo áp lực lên lồng ngực, đẩy máu từ tim đi khắp cơ thể, máu lên não đủ để giúp duy trì sự sống cho các cơ quan trong khi chờ đợi sự trợ giúp y tế.
+ Thứ hai là kích thích tim đập lại. Ép tim có thể giúp kích thích tim đập lại tự nhiên. Khi tim ngừng đập, các tế bào tim bắt đầu chết dần. Ép tim giúp duy trì lưu thông máu đến tim, kích thích thần kinh tự động ở tim giúp tăng khả năng tim đập lại tự nhiên.
+ Thứ ba là tăng cơ hội sống sót. Ép tim cấp cứu được thực hiện đúng cách có thể giúp tăng cơ hội sống sót cho nạn nhân lên đến 2-3 lần, theo các nghiên cứu có thể tăng trên 50% sống sót ở một số trường hợp bệnh rối loạn nhịp tim, sắp chết đuối, ngất xỉu trong mọi nguyên nhân. Ép tim giúp cứu sống nạn nhân phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngưng tim và và thời gian bắt đầu ép tim được tính bằng giây bằng phút.
- Sau đây là cách ép tim đúng cách. Chúng ta chỉ cần nắm chắc 2 việc làm này thôi, đó là vị trí đặt tay lên ngực và ép tim hiệu quả. Trước khi ép tim, bà con mình cần nhận ra nạn nhân bị ngưng tim với các dấu hiệu như bất tỉnh nhân sự, không thở, da lạnh ngắt, nhợt nhạt, lúc đó hãy để nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng như sàn nhà, trên mặt đất. Rồi bắt đầu ép tim ngay lập tức.
+ Vị trí đặt bàn tay: Đặt gót bàn tay, tức cùi của một bàn tay, của mình ở dưới đường nối hai núm vú, ngay giữa ngực, ngay trên xương ức sau đó đặt bàn tay còn lại lên trên bàn tay kia, với các ngón tay đan chéo nhau. Giữ khuỷu tay thẳng và ấn vuông góc xuống ngực nạn nhân. Rồi ép tim. Chú ý không đặt tay quá cao (trên đường nối hai núm vú) vì có thể gây gãy xương ức. Không đặt tay quá thấp (dưới điểm giữa ngực) vì có thể không hiệu quả trong việc ép tim.
+ Ép tim có hiệu quả: Ấn mạnh và đều đặn xuống ngực nạn nhân với độ sâu khoảng 5 phân (5 cm). Tốc độ ép tim là 100-120 lần/phút. Sau mỗi lần ép tim, hãy để ngực nạn nhân trở lại vị trí ban đầu, bằng cách nhấc bàn tay khỏi người nạn nhân sau mỗi lần ép, cho phép tim đổ đầy máu trước khi ép tiếp cái thứ hai. Làm như thế sẽ tạo lực ép có hiệu quả hơn cho lần ép tiếp theo và tránh gãy xương ức của nạn nhân. Tiếp tục ép tim cho đến khi nhân viên y tế đến giúp đỡ.
+ Nếu ai biết thực hành về thổi ngạt thì xen kẻ sau mỗi 30 lần ép tim, thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu bà con không biết thổi ngạt thì chỉ cần biết ép tim cấp cứu là có thể cứu sống được người bệnh rồi.
Chỉ thế thôi, ai học cũng được, ai làm cũng được, miễn là bà con mình chịu khó đọc, xem và làm theo từng bước một.
Bà con mình lưu ý chúng ta nên bắt đầu ép tim càng sớm càng tốt, vì mỗi giây, mỗi phút trôi qua mà không có ép tim sẽ làm giảm cơ hội sống sót của nạn nhân.
Kỹ năng ép tim đơn giản, dễ học, dễ làm, nhưng phải làm đúng cách. Xin nhắc lại một lần nữa bà con chỉ cần nhớ hai việc làm là đặt tay đúng vị trí và ép tim với lực ép hiệu quả, giống như chị Hạ thực hiện trong clip thì chắc chắn sẽ cứu sống được nhiều người chẳng may gặp nạn.
Tóm lại, khi gặp người ngất xỉu, ngưng tim, bà con cần giữ bình tĩnh và thực hiện ép tim.
Nên tránh những việc làm có thể gây nguy hiểm không có tác dụng cứu sống người bệnh như cắt lễ mười đầu ngón tay, giật tóc mai, vỗ mặt, tát tai, kéo lưỡi hoặc lay gọi người bệnh, dội nước vào mặt, đổ nước, thuốc vào miệng, thậm chí bỏ mặc người bệnh mình không làm gì khi chờ xe cấp cứu.