Loại bá !important;nh ngọt Lazy Cakes, còn gọi bánh lười, thực chất là một loại ma túy len lỏi trong thị trường, có thể gây nghiện mà người dùng không hay biết.
Ngày 8/12, Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo bánh Lazy Cakes du nhập vào Việt Nam khoảng 4 năm nay, gần đây được đẩy mạnh mua bán nhằm che giấu cơ quan chức năng. Bánh được làm từ dung dịch cần sa trộn với bột mì, trái cây khô, chocolate, giá từ 200.000 đến 300.000 đồng một bánh. Người sử dụng chủ yếu là giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên.
Đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết cần sa ngấm nhanh vào máu khiến người sử dụng hưng phấn, hoang tưởng. Bánh lười còn có thể gây suy hô hấp tạm thời và khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.
Nói thêm về tác hại của bánh lười, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP HCM), cho biết bánh lười có tác dụng ngay khi sử dụng, do đó người dùng thường không ăn với số lượng lớn. Tuy nhiên, sau nhiều lần ăn bánh với liều lượng tăng dần, người ăn sẽ bị nghiện mà không biết.
"Nhiều người luôn ở trong trạng thái lo lắng, bồn chồn, ăn bánh lười thì cảm thấy kích thích, vui vẻ, hăng hái. Những thay đổi về mặt cảm giác đó khiến họ tiếp tục mua, sử dụng bánh này", bác sĩ Duy nói.
Kẻ xấu thường sử dụng cần sa giá rẻ, chất lượng kém để làm bánh. Vì vậy, giá bán của các loại bánh khá rẻ, nhóm học sinh, sinh viên dễ tiếp cận.
Ngoài ra, giới trẻ, học sinh còn có thể tiếp xúc ma túy ở rất nhiều nguồn, từ tem giấy, các loại nước xoài, nước vui... Nhiều vụ việc đã được phát hiện, như Công an Hà Nội hồi tháng 6 thu giữ một số loại ma túy được ngụy trang dưới dạng chocolate ghi nhãn hiệu Chill Max, bán công khai trên mạng xã hội. Có 5 người đã nhập viện điều trị sau khi ăn phải loại này.
Vào tháng 4, Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) phát hiện các loại gói bột pha nước giải khát, có mùi thơm kích thích và chứa ma túy, gọi là nước nho, xoài, dâu, đông trùng... Mới đây nhất, một phụ nữ tại Hà Nội đã nhập viện do ngộ độc sau khi ăn nhầm bỏng ngô tẩm cần sa.
Bác sĩ Duy cho biết lượng ma túy trong các thức ăn này thấp hơn ma túy thông thường. Người sử dụng yêu thích cảm giác vui vẻ, kích thích, từ đó tăng liều dần dần, khi tích lũy đủ sẽ gây ngộ độc, suy nhược thần kinh.
Một bệnh nhi ngộ độc cần sa được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ảnh: Khánh Chi
Bác sĩ khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn, uống trong căng tin của nhà trường, chỉ mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Lý do là các sản phẩm có tẩm ma túy, cần sa nói trên không khó tiếp cận, có thể len lỏi trong các hàng quán, ngõ ngách mà người bán không hay biết. Bao bì sản phẩm dễ nhẫm với nước uống giải khát, bánh kẹo, thuốc lá thông thường để sử dụng thuận tiện, không cần che giấu.
Nếu trẻ không sinh hoạt bình thường, sinh cáu gắt đột ngột, giận dữ, mơ màng hoặc ngồi thẫn thờ, gia đình cần nghĩ tới việc trẻ đã sử dụng ma túy dưới dạng bánh kẹo như trên. Khi ấy, nên đưa ngay trẻ tới các bệnh viện lớn, cơ sở y tế tin cậy để xét nghiệm, có phương án điều trị phù hợp.
Chi Lê