1.1. Hướng dẫn phân công nhiệm vụ cho từng nhóm đối tượng
Mỗi bộ phận trong trường sẽ có các nhiệm vụ, chức năng riêng. Chính vì vậy mà việc tham gia vệ sinh môi trường trong trường mầm non và cụ thể là lớp học cũng có sự phân công cụ thể.
1.1.1. Giáo viên trên lớp
Nhiệm vụ của các giáo viên đứng lớp là đảm bảo sự sạch sẽ của mặt sàn, tường và các thiết bị, dụng cụ, đồ chơi trong lớp học. Giáo viên cũng là người chịu trách nhiệm bài trí không gian lớp học sao cho khoa học, thoáng đãng.
Là người tiếp xúc nhiều nhất, giáo dục và chăm sóc trực tiếp cho bé, giáo viên cần phải hướng dẫn và tạo thói quen cho trẻ trong việc giữ gìn vệ sinh lớp học, vứt rác đúng nơi quy định.
1.1.2. Nhân viên nhà bếp
Nếu có nhà ăn riêng, nhân viên nhà bếp phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau khi các bé ăn xong trong khu vực này. Trường hợp các bé ăn tại lớp học, nhân viên nhà bếp và các giáo viên phải phối hợp trong việc sắp xếp bữa ăn và vệ sinh lớp học sau khi ăn.
Ngoài ra, nhân viên nhà bếp còn có nhiệm vụ:
- Đảm bảo vệ sinh và sắp xếp các thiết bị nhà bếp đúng tiêu chuẩn an toàn.
- Rác thải trong quá trình nấu bếp phải được xử lý đúng quy định.
- Quá trình chế biến thực ăn phải được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Không gian trong nhà bếp như: mặt sàn, tường, bể nước… phải được vệ sinh sạch sẽ và cách ly với nguồn rác thải.
1.1.3. Nhân viên y tế
Nhân viên y tế ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ và học sinh của trường thì cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho khu vực thuộc sự quản lý của mình. Nhiệm vụ của nhân viên y tế bao gồm:
- Tìm hiểu và tuyên truyền nội dung bảo vệ môi trường và các bệnh lý lây nhiễm cho giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường.
- Liên hệ và phát thông tin về các phương pháp bảo vệ môi trường, khắc phục bệnh dịch lên các kênh thông tin của trường và địa phương.
- Hỗ trợ việc kiểm tra vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường trong toàn bộ khu vực trường mầm non.
1.1.4. Nhân viên giáo vụ
Nhân viên giáo vụ chịu trách nhiệm vệ sinh môi trường tại những khu vực chung như: hành lang, sân trường, khuôn viên… Ngoài ra, nhân viên giáo vụ còn chịu trách nhiệm kiểm soát vận hành của toàn bộ các hệ thống điện, nước, kỹ thuật trong toàn trường để đảm bảo mọi hoạt động của trường được diễn ra liên tục.
1.1.5. Ban giám hiệu
Ban giám hiệu được ví như “đầu tàu” trong việc vệ sinh trường mầm non. Cán bộ trong ban giám hiệu chính là những người lập kế hoạch, giám sát thực hiện và kiểm tra vệ sinh môi trường trường học và lớp học mầm non.
Việc thực hiện vệ sinh cần kiểm tra thường xuyên, đảm bảo nhắc nhở các bộ phận làm đúng việc cũng như xử lý các phát sinh nếu có. Sau cùng, ban giám hiệu cần có đánh giá để rút kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất để tối ưu việc thực hiện trong thời gian sau.
1.2. Hướng dẫn về các hoạt động nên triển khai
Tại nhà trường, ngoài các hoạt động vệ sinh và giám sát thực hiện, nên có:
- Đưa nhiệm vụ “xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp” vào một trong những mục tiêu quan trọng phải thực hiện được trong kế hoạch của trường.
- Tiến hành tuyên truyền bằng hình ảnh với các hình thức như: biểu bảng panô áp phích… trong trường.
- Cập nhật nội dung hoạt động liên tục trên bảng tin của trường.
- Thực hiện đánh giá về thể chất và tâm lý của trẻ sau khi môi trường học được cải thiện tốt hơn.
Việc bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường trường lớp học cần được thực hiện ngay cả bên ngoài trường học. Vậy nên, nhà trường cần tích cực phối hợp với phụ huynh và tổ chức, cơ quan có thẩm quyền để hoạt động diễn ra hiệu quả.
Nhà trường nên phối hợp với phụ huynh bằng một số hoạt động:
- Tuyên truyền về vai trò của hoạt động vệ sinh môi trường trong các buổi họp phụ huynh.
- Xây dựng và thông qua các quy chế thực hiện giữa gia đình và nhà trường.
- Vận động sự đóng góp cây cảnh, chậu hoa từ phía phụ huynh học sinh để bé có môi trường phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, nên thực hiện tuyên truyền về hoạt động vệ sinh môi trường trường học mầm non trên hệ thống thông tin của phường, xã để ai cũng được nhắc nhở và ghi nhớ việc này.
2. Làm thế nào để tuyên truyền, giáo dục vệ sinh môi trường trong lớp học mầm non cho bé?
Ở lứa tuổi mầm non, bé bắt đầu có những nhận thức và học hỏi hành vi của cộng đồng xung quanh. Vậy nên, việc giáo dục, hình thành ý thức vệ sinh và bảo vệ môi trường cho những “công dân tương lai” này sẽ quyết định đến môi trường sống của chúng ta về sau.
Vấn đề vệ sinh trường học nói chung và vệ sinh môi trường trường học mầm non nói riêng cần được giải quyết căn bản bằng việc tạo ý thức tự giác cho các em ngay từ nhỏ. Để giáo dục cho trẻ tốt nhất, cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
2.1. Từ phía nhà trường
Nhà trường và giáo viên, thông qua việc giảng dạy trên lớp để giáo dục vệ sinh môi trường cho trẻ mầm non, giúp cho bé có ý thức tốt, nếp sống văn minh trong việc vệ sinh và bảo vệ môi trường nói riêng và cuộc sống nói chung.
Nội dung giáo dục phải gần gũi, thú vị giúp trẻ thích thú và tiếp thu tốt hơn. Thông qua bài học trẻ phải nhận biết được môi trường mình đang sống là sạch hay bẩn và nó có lợi hay có hại cho mình từ đó hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe.
Lý thuyết phải đi đôi với thực hành, vậy nên, nhà trường cần tạo mọi điều kiện để bé được trải nghiệm thực tế bằng cách tổ chức các buổi cho trẻ tham gia làm vệ sinh. Giáo viên phải giúp bé hình thành được ý thức tự giác giữ gìn môi trường sống như: vứt rác đúng chỗ, dọn dẹp khi bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ...
Nên hướng dẫn trẻ tái chế đồ vật để làm đồ chơi, dụng cụ học tập, ứng dụng trong gia đình… Điều này giúp bé hứng thú hơn với việc vệ sinh không gian sống đồng thời kích thích khả năng sáng tạo, tư duy của bé.
Bên cạnh đó, nhà trường cần kết hợp với phụ huynh để xây dựng thói quen và ý thức sống của trẻ tốt hơn. Hướng dẫn và động viên từ cha mẹ luôn là động lực và tấm gương tốt cho nếp sống của con.
2.2. Từ phía gia đình
Gia đình là “cái nôi” đầu tiên và có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, thái độ và hành vi của con trong mọi giai đoạn phát triển. Để giáo dục nâng cao ý thức vệ sinh môi trường nói chung và vệ sinh tại trường, lớp học nói riêng cho bé, mỗi người trong gia đình đều cần phải có trách nhiệm,
Nên noi gương cho bé bằng cách thực hiện các công tác vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường chung như không xả rác bừa bãi, không bứt lá, bẻ cành, hạn chế việc sử dụng túi ni lông...
Cha mẹ, ông bà nên hướng dẫn bé thực hiện những việc vệ sinh đơn giản tại nhà quét nhà, giúp đỡ người lớn dọn dẹp... Mỗi khi bé làm việc, dù tốt hay không cũng nên khuyến khích bé tiếp tục cố gắng. Nếu bé làm tốt, hãy khen ngợi bé để bé duy trì và phát huy điều đó.
Ngoài ra, gia đình cần phối hợp với nhà trường để thống nhất trong phương pháp dạy con. Ngoài quan tâm đến việc hôm nay trẻ ăn gì, cha mẹ cũng nên hỏi thăm bài học của bé để hỗ trợ việc học trên trường được tốt hơn.
3. Biện pháp để vệ sinh môi trường lớp học ở trường mầm non
Việc vệ sinh môi trường trong lớp học mầm non không chỉ dừng lại ở những nhóm công việc nhỏ và trách nhiệm cho từng bộ phận trong trường mà phải làm tổng thể và thường xuyên.
Tùy điều kiện và mục tiêu của mỗi trường mà ban giám hiệu có thể cân nhắc các biện pháp để có kế hoạch vệ sinh môi trường trong trường mầm non của mình một cách hiệu quả nhất
3.1. Cán bộ công nhân viên cùng các bé thực hiện vệ sinh
Việc các cán bộ nhân viên nhà trường và các bé thực hiện vệ sinh vừa giáo dục và giúp trẻ thực hành các hoạt động vệ sinh môi trường trong trường lớp, vừa tiết kiệm chi phí cho nhà trường. Tuy nhiên, đây không phải là một phương pháp tối ưu:
- Thứ nhất, trẻ mầm non còn quá nhỏ để ý thức được các mối nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình dọn dẹp vệ sinh. Việc này cũng ảnh hưởng đến việc học sức khỏe của trẻ khi phải tiếp xúc nhiều với bụi, nắng...
- Thứ hai, các cán bộ nhân viên phải dành nhiều thời gian cho việc vệ sinh và giữ gìn cho môi trường trong trường luôn sạch sẽ sẽ ảnh hưởng đến các công tác chính của mình như giảng dạy, y tế...
- Thứ ba, các cán bộ công nhân viên nhà trường cũng không được đào tạo về dọn vệ sinh chuyên nghiệp nên cũng khó đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh trường học cần đạt.
Các hoạt động vệ sinh môi trường ở trường học mầm non nhằm để giáo dục cho trẻ nên thực hiện thành các chủ đề, bài học và chỉ nên áp dụng trong một số chiến dịch ngắn hạn của trường giúp bé có những nhận thức tốt hơn.