1. Vai trò của tài nguyên nước
Nước là tài nguyên quan trọng và quý giá đối với bất kì sinh vật nào trên trái đất. Môi trường là tập hợp tất cả các điều kiện, hiện tượng trong tự nhiên như: đất, nước, không khí, thế giới động vật và thực vật. Môi trường có mối quan hệ mật thiết qua lại với sức khỏe con người. Khi môi trường bị ô nhiểm như: ô nhiễm nước, không khí, đất, thực phẩm và các ô nhiễm khác sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực cho lao động, sản xuất, đời sống và đặc biệt là sức khẻ con người.
Trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm đến nước sạch và công tác vệ sinh môi trường để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da là một yếu tố rất quan trọng bởi vệ sinh môi trường gắn liền với cuộc sống con người. Con người sẽ không có sức khỏe và hạnh phúc nếu thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường không tốt. Phải sử dụng nước sạch để phòng được các bệnh như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan, các bệnh về mắt các bệnh về da, bệnh phụ khoa…
Trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng, nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam.
Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, dụng cụ để thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo vệ sinh.
Do đó, nếu không có các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch để tiết
kiệm và bảo tồn tài nguyên nước sẽ không thể bảo vệ được nguồn tài nguyên hữu hạn này.
2. Nước sạch là gì?
- Nước sạch phải là nước trong, không màu, không mùi, không vị lạ, không gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh, không chứa các chất độc hại.
- Nước sạch có nhiều nguồn cung cấp khác như nước mưa, nước giếng khoan, nước máng lần, nước giếng và hệ thống cung cấp nước tập trung.
- Mỗi gia đình cần có ít nhất một trong các nguồn nước sạch nếu chưa có thì cần hỏi ý kiến tư vấn của Y tế địa phương để xây dựng cho mình một nguồn nước sạch thích hợp. Nước được lấy từ bất cứ nguồn nào cho dù đã xử lý thì trước khi uống cũng phải đun sôi, tuyệt đối không uống nước lã.
- Nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức khai thác bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch.
3. Môi trường là gì? Tại sao phải vệ sinh môi trường?
Môi trường là tổng hợp các yếu tố vật chất tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học tồn tại ngoài ý chí chủ quan của con người và các yếu tố nhân tạo bao gồm tổng thể quan hệ giữ người với người có quan hệ mật thiết với nhau, có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Môi trường là nơi cung cấp tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản xuất của con người.
Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến nghiêm trọng dẫn đến nhiều hệ lụy như biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa axit, mức nước biển dâng, sa mạc hóa. Sự nóng lên của trái đất sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của con người. Khi môi trường bị ô nhiễm, cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng nặng nề. Con người có thể sẽ mắc các bệnh như về phổi, tim mạch, gan, trẻ em có thể chậm phát triển về tư duy…Vì vậy, việc cấp thiết cần phải làm hiện nay đó là giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường, và ứng phó với sự cố môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.
* Một số biện pháp bảo vệ nguồn nước và giữ gìn vệ sinh môi trường
- Giữ sạch nguồn nước: Không chăn thả gia súc, đổ rác gần nguồn nước, không phóng uế bậy, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
- Tiết kiệm nước: Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như: tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo tại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây,...
- Xử lý phân người: Ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại cầu tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước)
- Xử lý phân gia súc, động vật: Cần có kế hoạch thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh, không có nền thấm nước.
- Xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải khác: Cần có phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa nhất là rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như ở nơi công cộng đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước. Phân loại các chất thải ra môi trường để thực hiện các phương án tái sử dụng và tái chế chất thải.
- Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông sau khi đã được xử lý chjung hoặc riêng. Nước thải công nghiệp, y tế phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.
- Tích cực gia tăng việc sử dụng các loại năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, các năng lượng tái tạo trong hệ thống thiết bị tiêu thụ năng lượng; hạn chế các hoạt động thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-zôn.
- Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhằm khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi môi trường.
- Sử dụng thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, lên án, tố cáo các hành vi phá hoại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hãy sử dụng nước sạch một cách tiết kiệm và giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống để phát triển bền vững.